Cách mạng Tháng Mười Nga – Chủ đề cũ nhưng luôn luôn mới và hấp dẫn
Hơn 105 năm đã trôi qua, kể từ ngày Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi trên đất nước của Lênin và nhân dân Nga vĩ đại, đến nay, những “kẻ thù lớn nhỏ” của ông và Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn luôn tìm mọi cách để chống phá, phủ nhận tầm vóc, giá trị và ý nghĩa của cuộc cách mạng vĩ đại này. Vì sao đã hơn một thế kỷ trôi qua, các thế lực thù địch lại căm ghét và điên cuồng chống phá Cách mạng Tháng Mười Nga một cách quyết liệt như vậy? Phải chăng cuộc cách mạng này là “vũ khí”, là “thuốc độc” tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và lợi ích của giai cấp bóc lột?
Thực tế chứng minh rằng những “kẻ thù lớn nhỏ” của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng chính là những kẻ thù của chủ nghĩa Mác – Lênin, kẻ thù của học thuyết khoa học, cách mạng – hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, của tiến bộ xã hội. Bởi lẽ, đằng sau các luận điệu chống phá, xuyên tạc, phủ nhận giá trị, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga là sự xuyên tạc, phủ nhận giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin; phủ nhận hệ tư tưởng của giai cấp công nhân; nói xấu, bôi đen, hạ thấp uy tín, danh dự, tầm ảnh hưởng của C. Mác, Ph. Ănnghen, V. I. Lênin và các đảng cộng sản. Các chiêu trò, thủ đoạn xưa và nay, vẫn “một giuộc”, là “điệp khúc chống phá”, vẫn là thái độ hư vô lịch sử, phủ định sạch trơn, vẫn là thái độ ngông cuồng với giọng điệu trơ tráo của những kẻ “cả vú lấp miệng em”, “nói lấy được”, vẫn là tầm nhìn hạn hẹp “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”, nói và làm theo kiểu “ngựa quen đường cũ”; có khác chăng là sự biến thái “thay hình, đổ dạng” của các mưu mô, hình thức khác nhau ngày càng công khai, trắng trợn và thô bạo hơn.
Chào mừng kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, chúng ta nhìn xa trông rộng, càng hiểu sâu hơn những điều gần – cuộc sống đang diễn ra quanh ta. Đúng là cái ngày ấy càng lùi xa thì nhân dân ta càng thấm thía hơn tầm vóc, giá trị, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga và những gì cuộc cách mạng này đem lại cho chúng ta, càng khâm phục, ngưỡng mộ và thành kính biết ơn công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu, chính Người đã đem về cho đất nước, dân tộc “mùa xuân” và “con đường cách mạng”, lý tưởng, niềm tin, lẽ sống mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã vạch ra. Nhân dân ta có chủ nghĩa Mác – Lênin soi sáng, dẫn đường, đã làm nên chiến thắng. “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” – Đạo lý ấy thấm sâu vào lẽ sống nhân sinh của con người Việt Nam.
Cho nên, câu chuyện về Cách mạng Tháng Mười Nga tưởng là xa xôi nhưng hoàn toàn không phải vậy, nó rất gần gũi, rất mới, mới trong từng ngày sống của chúng ta, mãi mãi là nguồn suối mát lành tưới “xanh tươi đồng ruộng Việt Nam”, cho chúng ta hoa thơm, quả ngọt; là minh chứng đầy thuyết phục để bác bỏ mọi điều xuyên tạc, phủ nhận giá trị, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam.
Dấu ấn và âm hưởng hào hùng của khúc tráng ca Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại
Nhớ về mùa thu cách mạng, nhớ về cội nguồn chiến thắng, chúng ta không thể nào quên Cách mạng Tháng Mười Nga – một sự kiện vĩ đại làm rung chuyển thế giới trong thế kỷ XX, là cột mốc đánh dấu sự ra đời của thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH và cách mạng vô sản trên phạm vi toàn thế giới. Đây là một nhân tố có ý nghĩa quyết định sự lựa chọn con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, tạo ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam và dẫn dắt nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; là luận cứ khoa học phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề này.
Thực tiễn khẳng định Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn sống động, vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa lịch sử và thời đại. Nó “không phải là sai lầm của lịch sử”, “là quái thai của thời đại”, “là sự áp đặt chủ quan, duy ý chí của V.I. Lênin và Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga”; hoàn toàn không phải “đã cáo chung”, “đã đưa vào bảo tàng lịch sử” cùng với sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu như lời vu cáo, xuyên tạc của những người Mensêvích và bọn cơ hội, xét lại, chống đối V.I. Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, chống chủ nghĩa Mác – Lênin.
Dấu ấn đặc sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga là tạo ra bước ngoặt lớn đưa giai cấp công nhân Nga trở thành giai cấp trung tâm của thời đại, gánh vác trọng trách xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công; thực hiện tiến bộ xã hội. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, Nhà nước Xô viết ra đời (gọi tắt là Liên Xô). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và V.I. Lênin, nhân dân Liên Xô đã chuyển nước Nga và các nước Cộng hòa Xô viết từ chế độ nông nô, phong kiến; từ nền kinh tế tiểu nông lạc hậu thành một quốc gia hùng cường, trở thành cường quốc thứ hai trên thế giới với nền quốc phòng vững mạnh, nền công nghiệp hiện đại sau 18 năm xây dựng, (nước Anh sau 200 năm; nước Mỹ sau 120 năm; nước Nhật Bản sau 40 năm).
Cách mạng Tháng Mười Nga đã thay đổi “số phận nước Nga và các dân tộc trong đại gia đình Xô viết”. Trước Cách mạng Tháng Mười Nga, hơn 70% dân số nước Nga và 90% dân số các nước Cộng hòa Xô viết mù chữ. Thế nhưng, đến cuối năm 1980, Liên Xô đã là một trong những nước có trình độ học vấn cao nhất thế giới với 164 triệu người có trình độ trung học và đại học. Liên Xô cũng là nước có số lượng các nhà khoa học trên các lĩnh vực khoa học vũ trụ, luyện kim, điện lực và vũ khí công nghệ cao… đứng ở tốp đầu thế giới. Cột mốc nổi bật đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành khoa học công nghệ Liên Xô là vào năm 1957, Liên Xô lần đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo vào vũ trụ; năm 1959, đã thử thành công bom nguyên tử và nhiều loại vũ khí hiện đại; năm 1961, đưa người vào vũ trụ, mở ra kỷ nguyên chinh phục không gian vũ trụ và đại dương với các thế hệ tàu phá băng hiện đại.
Sự tiến bộ “nhảy vọt” sau Cách mạng Tháng Mười Nga của nhân dân của Liên Xô được nhà báo Mỹ John Reet – người viết tác phẩm “Mười ngày rung chuyển thế giới” đã viết: “Trước khi trở thành thiên đường của người lớn, Liên Xô đã là thiên đường của trẻ thơ” để phản ánh sự phát triển mang tính bước ngoặt, đầy tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Những điều nhà báo Mỹ John Reet viết đã thành hiện thực trên quê hương Cách mạng Tháng Mười. Đến năm 1960, 100% các trường mầm non, mẫu giáo và phổ thông cơ sở, phổ thông trung học đã được xây dựng hiện đại; học sinh các cấp của 15 nước Cộng hòa Xô viết được miễn học phí ở các cấp học cho tới đại học; 100% trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo được chăm nuôi miễn phí.
Liên Xô là nước đầu tiên trên thế giới quy định ngày làm việc 8 giờ; người lao động được nghỉ 30 ngày trong năm nhưng vẫn được hưởng 100% lương; được cấp nhà ở và được khám phá chữa bệnh miễn phí hoàn toàn….Việc 100% nông dân Liên Xô được trợ cấp kinh phí xây nhà ở, hưởng lương hưu và trở thành “công nhân nông nghiệp” đã làm cho bộ mặt nông thôn mới và đời sống người dân các nông trang, nông trại thật sư đổi đời. Đến năm 1960, Liên Xô đã thực hiện 100% điện khí hóa, cơ giới hóa, đường nhựa hóa trên đất nước chiếm 1/6 diện tích thế giới.
Bài ca nhân dân Liên Xô viết đã cất lên ấm lòng nhân loại, lan tỏa khắp bốn biển năm châu, trở thành âm hưởng khải hoàn ca của thời đại, lan rộng đến mọi góc biển, chân trời; từ Matxcơva đến Xibêri, đến tận khu vực Mỹ – Linh. Từ năm 1945 đến 1970, hơn 100 quốc gia và 70% dân số thế giới đã thoát khỏi ách thực dân, đế quốc. Nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ – Latinh sau khi giành độc lập dân tộc đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Cu Ba – một đất nước ở bên kia bán cầu, ngay “sát sườn đế quốc Mỹ” đã nói lên điều sâu sắc ấy.
Đi theo và bảo vệ giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô đã chặn lại bàn tay đẫm máu, đầy tội ác của chủ nghĩa phát xít Đức – Ý – Nhật, đã chiến đấu, hy sinh xương máu của gần 30 triệu người để cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa phát xít; đã “thắt lưng buộc bụng” giúp đỡ nhân dân 14 nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết và nhiều nước Đông Âu, các nước châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ – Latinh xây dựng chế độ XHCN và định hướng XHCN.
Ai đó cho rằng sức sống, sự lan tỏa của Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ “quanh khu vực châu Âu” là hoàn toàn không đúng. Sự thật lịch sử đã khẳng định, lịch sử thế giới hiện đại còn ghi.
Sức sống mạnh mẽ của Cách mạng Tháng Mười Nga ở Việt Nam: Sự lan tỏa, những giá trị nhân văn
Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng trực tiếp, đặc biệt sâu sắc đến cách mạng Việt Nam; làm thay đổi vận mệnh của nước ta; đóng vai trò quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Không có Cách mạng Tháng Mười Nga, sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô và V.I. Lênin vĩ đại, nhân dân ta không thể làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Không có Cách mạng Tháng Mười Nga, chúng ta không thể có cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc như ngày nay. Điều này thể hiện rõ ở các điểm:
Một là, Cách mạng Tháng Mười Nga đã giúp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cách mạng vô sản để cứu nước, cứu dân, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị ở Việt Nam.Dấu mốc cực kỳ quan trọng, rất đáng nhớ là, vào tháng 7-1920, sau gần 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đọc được“Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin. Từ đó, Người tin tưởng và đi theo lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga, đã xác định cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã vạch ra; phải tin tưởng, tin theo chủ nghĩa Mác – Lênin. Bác khẳng định: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười – con đường duy nhất đúng đắn – Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự”. Chính sự lựa chọn đúng đắn ấy của Người mà nhân dân ta có tất cả những gì là tốt đẹp hôm nay.
Hai là, Cách mạng Tháng Mười Nga đã tiếp thêm động lực, nghị lực, sức mạnh, động viên, cổ vũ nhân dân Việt Nam “rũ bùn đứng dậy” kiên quyết đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nên cuộc đổi đời nhờ thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà; tiến hành 9 năm kháng chiến thánh thần để đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Ghi nhận điều đó, Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô đã hết lòng ủng hộ nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, nhất là trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, y tế, giáo dục, đào tạo. Có thể khẳng định rằng lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đã được hiện thực hóa trên đất nước Hồ Chí Minh.
Ba là, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga và của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, cả thành công và chưa thành công luôn là sự gợi ý, tham khảo rất có giá trị cho Việt Nam xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Các tác phẩm của V.I.Lênin và các văn kiện Đại hội của Đảng Cộng sản Liên Xô là tài liệu quý, góp phần định hướng, chỉ dẫn nhân dân ta rút kinh nghiệm để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững tin đi trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN Việt Nam. Vì vậy, thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước hết là thắng lợi của chủ nghĩa Mác – Lênin, của lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga ở đất nước Hồ Chí Minh. Nhờ đó, đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Điều này đã bác bỏ mọi định kiến sai lầm, những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và nhân dân ta; xuyên tạc giá trị, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga ở Việt Nam.
Bốn là, Cách mạng Tháng Mười Nga và quá trình xây dựng CNXH ở Liên Xô là tấm gương và là tài sản tinh thần vô giá, luôn nhắc nhở, cảnh báo cho chúng ta phải đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, duy ý chí; không được vứt bỏ vũ khí khi xung quanh chúng ta vẫn còn kẻ thù bởi cách mạng đã đánh đổ kẻ thù, nhưng chúng chưa bị tiêu diệt hẳn, vẫn còn âm mưu và lực lượng chống phá cách mạng. Chúng ta không được mắc mưu “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang như sự kiện chính trị đã xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu từ những năm 90 của thế kỷ XX, cũng như cảnh giác với các tình huống xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina vừa mới xảy ra tháng 2-2022.
Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động; xuyên tạc giá trị và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại; những cống hiến to lớn và uy tín của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin, Hồ Chí Minh. Đó là bài ca bất tử về tình yêu con người, giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc; phù hợp với lẽ sống của nhân dân Việt Nam. “Ôn cũ để biết mới”, “nhìn xa để thêm hiểu gần” giúp chúng ta thêm yêu quý những giá trị chân – thiện – mỹ và bảo vệ nó bằng tất cả trái tim và khối óc của mình./.