Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4.2022

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4.2022


(QNO) – Tháng 4.2022, nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực thi hành như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; lao động ngành du lịch được hỗ trợ học nghề 1,5 triệu đồng/tháng; chế độ dành cho công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc…

Lao động ngành du lịch được hỗ trợ học nghề 1,5 triệu đồng/tháng
Lao động ngành du lịch được hỗ trợ học nghề 1,5 triệu đồng/tháng. Ảnh: K.L

Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu

Trước sự leo thang của giá xăng dầu trong thời gian gần đây, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này sẽ hỗ trợ giảm gánh nặng chi tiêu cho người dân, bởi việc giảm thuế sẽ trực tiếp làm giảm giá bán lẻ xăng dầu, mỡ nhờn.

Tại phiên họp thứ 9 diễn ra chiều 23.3.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn.

Trong đó, xăng (trừ etanol) giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

Riêng nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13 ngày 31.12.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thời gian áp dụng từ ngày 1.4 đến hết 31.12.2022. Từ ngày 1.1.2023, mức thuế này sẽ quay về mức cũ theo Nghị quyết số 579 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lao động ngành du lịch được hỗ trợ học nghề 1,5 triệu đồng/tháng

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 12 của Bộ Tài chính, sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 9.4.2022. Theo Thông tư 12, doanh nghiệp, tổ chức về du lịch sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch với số tiền như sau:

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề hơn 3 tháng: mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng.

Nâng trần giờ làm thêm không quá 60 giờ trong 1 tháng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Nghị quyết nêu rõ, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm hơn 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Theo khoản 1 Điều 1 của nghị quyết, số giờ làm thêm trong 1 năm được quy định như sau: trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm hơn 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, trừ các trường hợp sau đây:

Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Số giờ làm thêm trong 1 tháng được quy định: trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm hơn 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ ngành, chính quyền địa phương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hướng dẫn, tổ chức thi hành nghị quyết này. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2022. Quy định tại khoản 1 Điều 1 của nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022.

Quy định tiền lương tính hưởng chế độ với viên chức quốc phòng thôi việc

Nội dung này được hướng dẫn tại Nghị định số 19 của Chính phủ hướng dẫn chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc, có hiệu lực từ ngày 15.4.2022.

Theo Nghị định 19, một trong những chế độ với công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc là được hưởng trợ cấp một lần. Cụ thể, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý công nhân và viên chức quốc phòng trước khi thôi việc chi trả.

Trong đó, tiền lương tháng để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần với công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc, bao gồm tiền lương theo loại, nhóm, bậc đối với công nhân quốc phòng; nhóm, ngạch, bậc đối với viên chức quốc phòng; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có).

9 tiêu chí đánh giá phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh

Ngày 18.2.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 04 quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Theo quyết định, tại quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh ban hành kèm theo, có đề cập 9 tiêu chí đánh giá phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh như sau: quy hoạch đô thị; giao thông đô thị; môi trường và an toàn thực phẩm đô thị; an ninh, trật tự đô thị; thông tin, truyền thông đô thị; việc làm, thu nhập bình quân, hộ nghèo ở đô thị; văn hóa, thể thao đô thị; y tế, giáo dục đô thị; hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị.

Quyết định 04 có hiệu lực từ ngày 15.4.2022 và thay thế Thông tư 02 của Bộ VH-TT&DL ngày 24.1.2013.



Nguồn: baoquangnam

Chính trị - Kinh tế - Xã hội