Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển năng lực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho đội ngũ nhà báo Việt Nam

Báo chí là lực lượng chủ công, tiên phong trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực của đội ngũ nhà báo Việt Nam trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có vai trò quan trọng.

Phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế tác nghiệp _Ảnh: TTXVN

Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta diễn ra lâu dài, phức tạp và quyết liệt. Trong cuộc đấu tranh này, các thế lực thù địch bên ngoài triệt để lợi dụng và cấu kết với các đối tượng phản động, cơ hội chính trị trong nước, lôi kéo, kích động các phần tử bất mãn, suy thoái về tư tưởng, đạo đức hòng tập hợp lực lượng, đầu tư nguồn lực, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, thông qua hàng nghìn trang web, fanpage, blog, cùng hàng trăm báo, tạp chí, bản tin, nhà xuất bản và hàng chục đài phát thanh, truyền hình tiếng Việt ở nước ngoài nhằm xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa, công kích, bài bác chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những luận điệu sai trái, thù địch trên mặt trận tư tưởng có sự hiệp đồng của nhiều “binh chủng thông tin”, nhiều lực lượng, trong đó có vai trò nòng cốt của đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị, tinh thông nghiệp vụ.

Việt Nam hiện có đội ngũ nhà báo đông đảo, hùng hậu với hơn 24.000 người được cấp thẻ hành nghề, trong khoảng 41.600 người làm việc trong lĩnh vực báo chí. Với bản lĩnh chính trị, kiến thức sâu rộng, có kinh nghiệm trong phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, có năng lực, trình độ sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông mới…, những người làm báo đã có những đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ, các cơ quan báo chí của chúng ta còn bộc lộ không ít hạn chế, có lúc, có nơi chưa thể hiện được vai trò chủ đạo, trong khi đó cuộc đấu tranh tư tưởng ngày càng khó khăn, phức tạp; thủ đoạn, phương thức, phương tiện chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, nham hiểm…, do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển năng lực bảo vệ nền tảng tư tưởng cho đội ngũ nhà báo bức thiết đặt ra, tập trung vào một số phẩm chất, năng lực sau:  

Thứ nhất, rèn luyện bản lĩnh chính trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực sự thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế, cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì cái khác mới đúng được” (1).

Như vậy, nhà báo muốn trở thành người tuyên truyền giỏi, là lực lượng đi đầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch thì trước hết phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối không dao động về tư tưởng, ngả nghiêng về chính trị, không hoạt đầu, nước đôi trong đấu tranh. Bản lĩnh chính trị còn là độ nhạy bén chính trị, nắm bắt được dòng chính trị chủ lưu, phát hiện, phán đoán, phân tích nhanh, tìm ra bản chất, xu hướng vận động của vấn đề và chọn thời điểm cũng như cách thức thông tin phù hợp, có hiệu quả nhất.

Hiện nay, đa phần đội ngũ nhà báo Việt Nam đều có bản lĩnh chính trị vững vàng; nhiều nhà báo chính luận vận dụng nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đường lối đổi mới của Đảng ta để xử lý nhiều vấn đề hóc búa đang đặt ra về lý luận – thực tiễn mà dư luận quan tâm, sắc bén đấu tranh, phản bác các luận điểm sai trái, thù địch. Tuy nhiên từ thực tiễn hoạt động báo chí những năm qua cho thấy, cũng có một số nhà báo còn thiếu bản lĩnh chính trị, nên phân tích và đánh giá sai lầm các sự kiện, vấn đề, thậm chí vấp ngã, bị kẻ xấu lợi dụng. Điều đó đòi hỏi các cơ quan báo chí càng cần đặc biệt chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo.

Thứ hai, không ngừng nghiên cứu, học tập để có hệ thống kiến thức sâu rộng

Trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, để phân tích, luận giải, làm sáng rõ những giá trị bền vững, đúng đắn, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; thông tin, tuyên truyền đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời có khả năng nhận diện rõ bản chất những quan điểm, luận điệu, âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch để chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, định hướng dư luận, đấu tranh ngăn chặn, phản bác, thì đội ngũ nhà báo cần có hệ thống kiến thức sâu rộng, vững chắc. Hệ thống tri thức vừa phong phú, đa dạng trong một số lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, vừa chuyên sâu về một ngành, lĩnh vực mà nhà báo đang quan tâm, phụ trách hoặc theo đuổi nghiên cứu, nhất là những tri thức chuyên ngành, tri thức lý luận chính trị, giúp nhà báo xây dựng được những tác phẩm có tính thuyết phục, tính bút chiến cao, đấu tranh phản bác hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch. Phông kiến thức này đòi hỏi nhà báo phải rèn luyện, học tập suốt đời.

Thứ ba, nâng cao tri thức chuyên ngành báo chí

Kiến thức chuyên ngành báo chí là hệ thống kiến thức, kỹ năng, phương pháp nghề nghiệp để trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Đó không chỉ là những hiểu biết, nhận thức chính xác, sâu sắc về chức năng xã hội của báo chí, như chức năng thông tin, tư tưởng, giám sát và phản biện xã hội…; các nguyên tắc hoạt động của báo chí, như tính khuynh hướng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu..; những kiến thức cần thiết về luật pháp, Luật Báo chí và đạo đức nghề nghiệp, mà còn là tổng hợp các kỹ năng tác nghiệp, như kỹ năng phát hiện đề tài, tiếp cận nguồn tin, khai thác tài liệu, quan sát hoặc phỏng vấn, kỹ năng xử lý thông tin, phương pháp thể hiện và sáng tạo tác phẩm…; những “kỹ năng mềm”, như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tác nghiệp trong môi trường khắc nghiệp… Những tri thức chuyên ngành báo chí và năng lực tác nghiệp báo chí là yếu tố căn bản, nền tảng, cũng là một thế mạnh của những nhà báo trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, cần không ngừng được bồi đắp, rèn luyện.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng thăm và làm việc tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền _Ảnh: TTXVN

Thứ tư, có kinh nghiệm và nhiệt huyết trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là mảng đề tài khó, số lượng các tác phẩm đấu tranh phản bác trực diện chưa nhiều, không ít tác phẩm còn thiếu độ sắc sảo, tính “bút chiến”, tính thuyết phục, nên hiệu quả đấu tranh chưa như mong muốn. Điều đó đòi hỏi đội ngũ nhà báo cần tích lũy nhiều kinh nghiệm nhiều hơn và có sự nhiệt huyết lớn hơn.  

Như vậy, ngoài trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, những kỹ năng, nghiệp vụ trong đấu tranh, thì như một lẽ tự nhiên, những người làm báo cách mạng viết về Đảng, bảo vệ Đảng bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm của mình, một cách tự nguyện và tự giác. Xây dựng tuyến bài chính luận là công việc khó, song đây cũng là mảng đề tài đầy hấp dẫn, là “mảnh đất màu” cho những tìm tòi, khám phá, nếu thực sự tâm huyết, say mê.

Khi tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh này, đội ngũ nhà báo cũng sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý để nâng cao hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, như: Kinh nghiệm trongtriển khai đồng bộ các giải pháp, cả về tổ chức, lực lượng, nội dung, hình thức, phương tiện… của cơ quan báo chí; kinh nghiệm về tổ chức nội dung các tuyến bài, chương trình, sản phẩm báo chí bám sát các sự kiện, vấn đề đang là “điểm nóng” chống phá của các thế lực thù địch và là trọng tâm đấu tranh của ta với các luận điểm sắc sảo, có tính chiến đấu cao, có cơ sở lý luận và thực tiễn thuyết phục; kinh nghiệm trong đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền, lựa chọn cách thức, ngôn ngữ, thể loại để tạo sức mạnh tổng hợp; kinh nghiệm trong lựa chọn vấn đề, cách thức đấu tranh phù hợp với từng đối tượng cụ thể để có hiệu quả cao nhất.

Thứ năm, hiểu biết và gương mẫu chấp hành pháp luật, đạo đức nghề nghiệp

Hiểu biết và gương mẫu chấp hành pháp luật là nghĩa vụ, trách nhiệm của một nhà báo – công dân, đồng thời cũng là yêu cầu bắt buộc của công việc – hoạt động báo chí. Việc nhà báo biết, hiểu và gương mẫu chấp hành pháp luật chính là thực hiện trách nhiệm nêu gương, giúp cho tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Để nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà báo tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề báo nói riêng. Việc học tập, rèn luyện theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải pháp quan trọng nhằm củng cố, xây dựng và nâng cao trách nhiệm thực hành đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức của một bộ phận nhà báo.

Thứ sáu, có trình độ sử dụng kỹ thuật và công nghệ truyền thông, ngoại ngữ

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến mọi ngành, lĩnh vực, đặc biệt đối với báo chí, mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Do đó, việc đầu tư, trang bị và nâng cao kỹ năng sử dụng phương tiện kỹ thuật, công nghệ phục vụ cho việc đấu tranh trên không gian mạng của các nhà báo cần được các cơ quan quản lý và lãnh đạo cơ quan báo chí quan tâm… Bên cạnh các chương trình, tin tức thực hiện bằng tiếng Việt, nhà báo còn phải thực hiện các chương trình, ấn phẩm bằng các tiếng dân tộc thiểu số để giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Đồng thời, phải thực hiện sản xuất tin, bài trực tiếp bằng các ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật…) hoặc phụ đề ngoại ngữ để giúp thông tin, tuyên truyền lan tỏa trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như cộng đồng quốc tế. Vì vậy, nhà báo cần học tập, rèn luyện về ngoại ngữ và khả năng hiểu biết sâu về văn hóa dân tộc, có thể sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số và quan trọng nhất là huy động được đội ngũ cộng tác viên là người dân tộc thiểu số để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh.

Như vậy, để đấu tranh, đẩy lùi những thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ nhà báo cần không ngừng nâng cao năng lực của mình để từng bước vững chắc giành thế chủ động, đủ sức chiếm lĩnh, làm chủ và chiến thắng ở mặt trận tư tưởng lý luận, đặc biệt trên không gian mạng. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh này, các nhà báo và cơ quan báo chí cần hiệp đồng với các tổ chức, lực lượng, các cấp, các ngành để phát huy sức mạnh tổng hợp làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng./.

PGS, TS. NGUYỄN THỊ TRƯỜNG GIANG

Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền

———————-

(1) Tạ Ngọc Tấn: Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1995, tr. 169

Nguồn: huongsenviet

Chống diễn biến hòa bình