Đưa “hơi thở” đời sống vào luật | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

Đưa “hơi thở” đời sống vào luật | BÁO QUẢNG NAM ONLINE


Ngay sau khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến góp ý, tại các diễn đàn từ tỉnh đến cấp xã đã tiếp nhận rất nhiều lượt ý kiến sôi nổi, tâm huyết, trí tuệ, với chung kỳ vọng chuyển tải được “hơi thở” cuộc sống vào dự thảo luật.

Đại biểu phát biểu góp ý tại diễn đàn do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ tổ chức. Ảnh: N.Đ
Đại biểu phát biểu góp ý tại diễn đàn do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ tổ chức. Ảnh: N.Đ

Hầu hết ý kiến góp ý vào các chương, điều của dự thảo luật đều có sự nghiên cứu, liên hệ sát với thực tiễn quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai của tỉnh những năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng, các vướng mắc nảy sinh khi thực hiện Luật Đất đai năm 2003 và năm 2013 sẽ được sửa đổi, điều chỉnh trong dự thảo Luật Đất đai.

Tại TP.Tam Kỳ, ngoài diễn đàn do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức, Ủy ban MTTQ Việt Nam của 13/13 xã, phường cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với hơn 700 đại biểu tham dự và hơn 150 lượt ý kiến góp ý.

Tham gia góp ý vào dự thảo luật, ông Trần Đình Lân – Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh bày tỏ băn khoăn, khi quy định rất nhiều vấn đề mới, nhưng trong 236 điều của dự thảo luật có đến 30 điều phải chờ hướng dẫn của Chính phủ. Luật đã có hiệu lực mà chờ hướng dẫn của Chính phủ thì sẽ mất rất nhiều thời gian để đi vào thực tiễn cuộc sống. Vậy nên Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ ràng, chi tiết, những điều nào giải thích được cụ thể trong luật thì nên giải thích.

Ông Nguyễn Ba – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ cho hay, nhiều ý kiến đề nghị, liên quan đến việc thu hồi đất đất, dự thảo luật cần giải thích rõ thế nào là vì lợi ích công cộng để tránh việc lạm dụng, phục vụ lợi ích của tư nhân.

Trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, người bị thu hồi đất phải được tham gia ngay từ đầu. Không để thành chuyện đã rồi, lúc đó mới hỏi ý kiến của người dân thì gần như không có tác dụng, gây thiệt thòi cho người bị thu hồi đất. Với trường hợp tỷ lệ người dân không đồng tình cao thì phải giải trình, thay đổi phương án như thế nào cũng cần phải được đưa vào luật.

Vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thị xã Điện Bàn – vùng đất có nhiều dự án “treo”.

Theo ông Phan Ngọc Hải – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn, tại Điều 78 quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dự thảo luật có phạm vi mở rộng, cụ thể hơn Luật Đất đai hiện hành.

Tuy nhiên, để thống nhất nhận thức và tránh phát sinh những vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện, cần làm rõ về mục đích, tiêu chí các trường hợp thật sự cần thiết phải tiến hành thu hồi đất, để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất. Đồng thời giúp các địa phương có sự chủ động hơn trong việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

“Vì xét cho cùng thì việc thu hồi đất là vấn đề liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sinh kế của nhiều người dân, đặc biệt ở những vùng đất chuyên sản xuất nông nghiệp, trồng trọt. Đây cũng là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều tranh chấp, khiếu kiện kéo dài” – ông Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Phi Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, mặt trận các cấp đã chủ động, tích cực chủ trì tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Trong không khí dân chủ, nghiêm túc, các ý kiến góp ý tâm huyết, xây dựng sát đúng với thực tiễn của Quảng Nam. Với quan điểm chung là các quy định của dự thảo luật phải phát huy vai trò chủ thể, quyền dân chủ, bảo đảm sự tham gia trực tiếp của người dân trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bảo đảm quyền thụ hưởng của nhân dân trong quá trình thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội…



Báo Quảng Nam

Chính trị - Kinh tế - Xã hội