Đưa sản phẩm đến gần hơn với du khách | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

Đưa sản phẩm đến gần hơn với du khách | BÁO QUẢNG NAM ONLINE


Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ I – Quảng Nam 2022 (gọi tắt là Festival) vừa kết thúc đã để lại nhiều dư âm tốt đẹp, trong đó có việc đưa các sản phẩm nghề truyền thống, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu đến gần hơn với du khách.

Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất diễn ra tại Hội An là cơ hội để lan tỏa các sản phẩm đến khách du lịch. Ảnh: P.Q
Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất diễn ra tại Hội An là cơ hội để lan tỏa các sản phẩm đến khách du lịch. Ảnh: P.Q

Với chủ đề “Sản phẩm nghề truyền thống hướng tới du lịch xanh”, festival lần này là một trong những hoạt động quan trọng trong Năm du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022.

Điểm nhấn lớn của sự kiện lần này là việc tất cả các nguyên vật liệu, sản phẩm, hoạt động liên quan đều thể hiện tinh thần “xanh”, thân thiện với môi trường, cộng đồng du khách. Có 10 nhà gỗ và 78 gian nhà tre đều được thiết kế bằng vật liệu bản địa, hàng hóa, sản phẩm đều giảm thiểu tối đa rác thải nhựa, đồ nhựa dùng một lần.

Ông Đặng Bá Dự – Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức cho biết, sự kiện lần này đã quy tụ được nhiều yếu tố để công tác quảng bá sản phẩm diễn ra thuận lợi nhất.

Việc tổ chức vào dịp cuối tuần và ở ngay trung tâm phố cổ Hội An giúp chương trình thu hút được một lượng lớn du khách trong, ngoài nước tham quan, mua sắm, trải nghiệm các sản phẩm tại festival.

Không dễ để có cơ hội cho hầu hết các sản phẩm nghề truyền thống, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh được đến gần với du khách trong cùng một không gian như vậy. Nhất là trong thời điểm nhiều sản phẩm trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ bởi tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Khách quốc tế tìm hiểu sản phẩm nghề truyền thống tại festival. Ảnh: P.Q
Khách quốc tế tìm hiểu sản phẩm nghề truyền thống tại festival. Ảnh: P.Q

Ông Bling Ướp – Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tây Giang cho hay, trong những ngày qua, đã có rất nhiều du khách tham quan, mua sắm sản phẩm, mặt hàng mua nhiều nhất là rượu ba kích và đẳng sâm. Bên cạnh đó, cũng có một số đối tác đến từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hội An đặt vấn đề kết nối để tìm kiếm cơ hội hợp tác, tiêu thụ lâu dài.

Trong khi đó, chị Lê Thị Thảo – đại diện Công ty TNHH Bếp Gấu Trúc (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) chia sẻ, thông qua festival, doanh nghiệp có cơ hội quảng bá các sản phẩm như bơ đậu phụng, sốt mì ý… của đơn vị. Các mặt hàng này đều ra đời sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát nên rất cần được quảng bá rộng rãi đến du khách, cộng đồng.

Trong khuôn khổ festival, nhiều hoạt động bên lề cũng tạo cơ hội lan tỏa thêm các làng nghề, sản phẩm du lịch trong và ngoài tỉnh như gốm Bát Tràng (Hà Nội), gốm Thanh Hà (Hội An), biểu diễn nghề dệt thổ cẩm (huyện Tây Giang và tỉnh Đắk Lắk), dệt lụa Duy Xuyên, diễn tấu cồng chiêng, đêm Hoài Giang, hát hò khoan đối đáp, ẩm thực truyền thống…

Dịp này, ban tổ chức cũng khai trương hệ thống du lịch thông minh, góp phần giúp các địa chỉ thương mại – dịch vụ, văn hóa – du lịch của địa phương tương tác tốt hơn với du khách.



Nguồn: baoquangnam

Du lịch