[eMagazine] – Những giọt hồng trao đi… | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

[eMagazine] – Những giọt hồng trao đi… | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

(QNO) – Hiến máu cứu người là nét đẹp truyền thống của dân tộc, thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả trong đời sống người Việt. Bất kỳ một tình huống hay trường hợp khẩn cấp nào cần được truyền máu, luôn có rất nhiều người sẵn sàng cho đi giọt máu quý giá của mình, mang lại bao hi vọng hồi sinh cho người nhận máu.  

 
 

Đại úy Trần Văn Thức – Phó Bệnh xá trưởng Công an tỉnh Quảng Nam mang nhóm máu AB – nhóm máu chỉ chiếm 3 – 5% dân số. Dù nhiệm vụ có lúc phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh từ cấp trên nhưng sự nhiệt thành của một tình nguyện viên hiến máu đã khiến anh thu xếp ổn thỏa nhiệm vụ, có mặt đúng lúc khi người bệnh cần máu.

 

Với người chiến sĩ công an này, 32 lần hiến máu thì mỗi lần đều đọng lại những kỉ niệm khó quên. Đó là niềm vui lâng lâng khi hay tin bệnh nhân qua cơn nguy kịch, hay nỗi day dứt, áy náy khó nói thành lời khi bệnh nhân không qua khỏi… Khó quên nhất là cuối năm 2021, lúc bấy giờ anh đang công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự – Công an Quảng Nam. Khi làm xong mọi thủ tục để chuẩn bị bước vào phòng lấy tiểu cầu thì nhận nhiệm vụ của lãnh đạo đơn vị phải đi công tác khẩn cấp.

“Nhiệm vụ của đơn vị quan trọng, nhưng cứu người cũng quan trọng không kém. Hơn nữa trong thời điểm dịch Covid-19 đang căng thẳng, thủ tục để hiến máu mất rất nhiều thời gian, nếu không hiến kịp thời thì người bệnh có nguy cơ không qua khỏi. Ngay lập tức tôi quyết định phải xin phép đơn vị hiến cho được máu lần này. Lãnh đạo rất may hiểu được tình huống và giao nhiệm vụ cho đồng đội khác… Dù đôi lúc những người hiến máu như chúng tôi cũng gặp vài trở ngại nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, niềm vui nhân lên khi dòng máu của mình đã góp phần mang lại sự sống cho người khác…” – Đại úy Trần Văn Thức tâm sự.

Không chỉ sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào khi nhận được thông tin, Đại úy Thức còn kết nối những người có nhóm máu AB trên mạng xã hội zalo, facebook… để kịp thời chia sẻ thông tin khi bệnh nhân cần máu.

Theo Đại úy Thức, những người mang nhóm máu AB không nhiều nên khi cần tìm người máu không dễ dàng, nhất là các trường hợp đáp ứng tiêu chí hiến tiểu cầu. Khi nắm bắt thông tin một trường hợp cần máu khẩn cấp, anh chia sẻ ngay thông tin lên nhóm để mọi người chủ động tham gia hiến máu. Nhờ đó, từ khi lập nhóm đến nay, rất nhiều thành viên của nhóm đã có mặt kịp thời tại nơi hiến máu để cứu chữa nhiều bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch.

 

***

“Ngày bé, nhìn người thân ra đi vì không được tiếp máu kịp thời, tôi thật sự đau lòng. Điều này thôi thúc tôi rằng mình sẽ đi hiến máu cứu người khi đủ điều kiện với mong muốn giọt máu của mình sẽ góp phần giúp một người nào đó giành lại sự sống”. Đó là lý do mà chị Dương Thị Nhạn – Kỹ thuật viên xét nghiệm, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Quảng Nam luôn tâm niệm khi chị quyết định trở thành tình nguyện viên hiến máu từ năm chị 18 tuổi.

Giờ đây, khi công tác trong ngành y, chị càng hiểu sâu sắc ý nghĩa sống còn của giọt máu được cho đi đúng thời điểm người bệnh cần. Bất kể ngày đêm, hễ bệnh nhân cần truyền máu, chị sẵn sàng cho máu mà không chút suy nghĩ đắn đo. 28 lần hiến máu, không ít lần chị đã tiếp máu kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhi qua nguy hiểm.

 

Cách đây không lâu, một bệnh nhi là người đồng bào dân tộc thiểu số cần truyền máu khẩn cấp nhưng gia đình lại không đồng ý tiếp nhận máu của người lạ. Biết tình trạng cháu rất nguy kịch, chị Nhạn ra sức giải thích, động viên để gia đình cháu bé hiểu bản chất câu chuyện. May mắn, bệnh nhi sau đó được cứu sống nhờ được tiếp máu kịp thời.

 

Thấu hiểu và sẻ chia với những tình huống nghặt nghèo của bệnh nhân, người kỹ thuật viên xét nghiệm này luôn tìm cách động viên, khuyến khích người thân, đồng nghiệp cùng hiến máu, lan tỏa tinh thần “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” trong cộng đồng.

***

Là một cô gái nhỏ nhắn, lúc trẻ từng mắc căn bệnh thiếu máu, phải gián đoạn việc học tập để điều trị, thế nhưng ít ai nghĩ rằng chị Nguyễn Thị Vĩnh Trúc (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) đã 38 lần hiến máu. Kể cả những người thân thì gia đình chị có đến 72 lần hiến máu.

Chị Trúc bắt đầu tham gia hiến máu khi đang là sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam. Tấm gương cô gái nhỏ nhắn nhưng trái tim giàu lòng yêu thương đã lan tỏa phong trào nhân đạo này đến với các bạn sinh viên. Và nay, khi đang giữ chức Chủ tịch Hội LHPN phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ), chị Trúc cũng xung kích đi đầu, động viên chị em hội viên tham gia hiến máu, cứu người.

 

Điều đáng trân trọng gia đình chị Trúc, em trai Nguyễn Văn Linh (SN 1988) đã hiến máu 46 lần, em gái Nguyễn Thị Thủy Triều (SN 1998) hiến máu 16 lần… Chỉ có ba mẹ chị đã lớn tuổi không tham gia hiến máu nhưng luôn động viên con cháu hiến máu cứu người. Với nghĩa cử cao đẹp ấy, gia đình chị Nguyễn Thị Vĩnh Trúc nhiều lần được Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ tôn vinh cùng nhiều bằng khen của hội, đoàn thể và chính quyền các cấp.

 

“Khẩn cấp! Khẩn cấp! Bệnh nhân … đang nguy cấp tại bệnh viện, rất cần máu nhóm…” – đây là những dòng thông báo thường thấy trên mạng xã hội của những đội, nhóm tình nguyện kêu gọi hỗ trợ máu cho bệnh nhân. Sự lan truyền mạnh mẽ của mạng xã hội đã đưa thông tin nhanh chóng đến những địa chỉ sẵn sàng sẻ chia.

Hiện nay, chỉ riêng trên địa bàn Quảng Nam có đến hàng chục “ngân hàng máu sống”, sẵn sàng có mặt để giúp bệnh nhân hoặc bệnh viện khan hiếm nguồn máu và cạn kiệt nhóm máu hiếm. Đó là nơi tập hợp những tâm hồn đồng điệu, cùng chí hướng cho đi những giọt máu hồng vì người bệnh. Điều đáng nói là bên dưới mỗi dòng thông tin của các thành viên, họ nhận được nhiều lời cảm ơn, khen ngợi, động viên nhiệt thành của cộng đồng dù ngoài đời chưa từng gặp nhau…

 

Đầu tháng 5.2022, tôi được theo chân những cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Nam đến hiến tiểu cầu cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Sau thông báo ngắn gọn từ Khoa Huyết học của bệnh viện và mạng lưới tình nguyện viên, 10 chiến sĩ công an thuộc “biên chế” của Ngân hàng máu sống Đoàn Thanh niên Công an Quảng Nam đã nhanh chóng có mặt.

[VIDEO] – Chiến sĩ Lâm Hoàng Quân hiến máu cho bệnh nhân nguy kịch:

Tuy nhiên, để tìm ra người cho tiểu cầu phù hợp phải trải qua nhiều bước kiểm sức khỏe và thông số máu tương ứng với người nhận. Cuối cùng, chỉ duy nhất chiến sĩ Lâm Hoàng Quân – Phòng Cảnh sát cơ động, Công an Quảng Nam đáp ứng được yêu cầu. Vượt qua những lo lắng vì lần đầu tiên hiến tiểu cầu, song nhờ sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của các y bác sĩ, anh Quân đã hiến được tiểu cầu sau gần 2 giờ đồng hồ.

 

Theo Đại úy Bùi Anh Đức – Bí thư Đoàn Thanh niên Công an Quảng Nam, “ngân hàng máu sống” của đơn vị có hơn 200 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Những năm qua, các thành viên trong ngân hàng máu sống hiến hàng trăm đơn vị máu cho bệnh viện các tuyến tỉnh, huyện qua đó kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Ngân hàng máu sống “Hiểu và thương” có nhiều thành viên mang trong mình dòng máu hiếm. Ảnh: Q.L
Ngân hàng máu sống “Hiểu và thương” có nhiều thành viên mang trong mình dòng máu hiếm. Ảnh: Q.L

Còn với CLB máu nóng Hiểu và thương, trong số hơn 200 thành viên có những thành viên đang sở hữu nhóm máu hiếm RH- quý hiếm. Qua 2 năm thành lập, CLB này đã tích cực tham gia hiến máu, nhất là những trường hợp đột xuất. Chỉ cần nhận điện thoại từ người nhà bệnh nhân hoặc bệnh viện, CLB nhanh chóng xác minh và liên hệ thành viên đến ngay bệnh viện hiến máu cứu người.

 
 
 

Anh Vũ Tiến Quảng – xã Trà Sơn (Bắc Trà My) mắc sốt xuất huyết trầm trọng, lượng tiểu cầu xuống rất thấp, phải chuyển từ Trung tâm Y tế huyện đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, anh Quảng được một chiến sĩ công an hiến tiểu cầu kịp thời nên sức khỏe dần hồi phục.

 

Nguồn máu hiến tặng đã và đang góp phần giúp các bệnh viện cấp cứu bệnh nhân mắc các chứng đa thương, vỡ tử cung, băng huyết sau sinh…  Đặc biệt, đối với bệnh mạn tính như suy thận, ung thư, các bệnh máu và cơ quan tạo máu thì máu và chế phẩm máu như những liều thuốc quý giá giúp bệnh nhân nâng cao thể trạng và chất lượng cuộc sống, góp phần quan trọng vào quá trình điều trị của bệnh nhân.

 

Ông Lê Tấn Minh – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Chủ tịch thường trực Ban Chỉ đạo Hiến máu tình nguyện Quảng Nam cho biết, những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành phong trào và càng nhân lên lòng nhân ái trong cộng đồng. Bên cạnh những đợt hiến máu tập trung, lồng ghép các chiến dịch Hành trình đỏ, Chủ nhật đỏ, Lễ hội xuân hồng, Chiến dịch máu mùa hè… thì hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đột xuất gần như là việc rất thường xuyên.

Lan tỏa hành động hiến máu, cứu người trong cộng đồng. Ảnh: Q.L
Lan tỏa hành động hiến máu, cứu người trong cộng đồng. Ảnh: Q.L

Cũng theo ông Minh, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc hiến máu gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là thủ tục đối với tình nguyện viên khi vào bệnh viện cho máu do phải đảm bảo nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid-19. Song bằng tấm lòng nhiệt huyết, sẵn sàng hiến máu cứu người, các tình nguyện viên đã nhẫn nại vượt qua khó khăn, giúp các bệnh viện không chỉ trong cấp cứu mà còn đảm bảo đủ lượng máu dự trữ, phục vụ tốt công tác điều trị.

Những chiến dịch hiến máu tình nguyện được Hội Chữ thập đỏ duy trì, tổ chức thường xuyên. Ảnh: Q.L
Những chiến dịch hiến máu tình nguyện được Hội Chữ thập đỏ duy trì, tổ chức thường xuyên. Ảnh: Q.L

Năm 2021, Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện tỉnh đã tổ chức 43 đợt hiến máu, lượng máu tiếp nhận được hơn 15.000 đơn vị. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 7.800 đơn vị máu, đạt 120% chỉ tiêu giao.

 

[VIDEO] – Lễ hội Xuân hồng năm 2021 của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh:

  ***

Những người tình nguyện hiến máu vì cộng đồng giống như những “thiên sứ” với phần việc cao đẹp của mình là trao một phần sự sống của mình cho người khác. Họ làm mọi việc trong thầm lặng, không mong sự tri ân từ người bệnh. Cùng với những tấm lòng vì người khác trong cộng đồng, hình ảnh những người tình nguyện hiến máu làm cho bức tranh nhân ái thêm tươi sáng, xã hội vì thế mà ngày càng bao dung, nhân ái hơn.

 



Nguồn: baoquangnam

Chính trị - Kinh tế - Xã hội