Gia tăng ca mắc sốt xuất huyết | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

Gia tăng ca mắc sốt xuất huyết | BÁO QUẢNG NAM ONLINE


Số bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết tại các địa phương đang có dấu hiệu gia tăng. Điều này báo động về tình trạng bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới.  

Chủ động vệ sinh môi trường, diệt trừ lăng quăng là cách phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả. Ảnh: X.H
Chủ động vệ sinh môi trường, diệt trừ lăng quăng là cách phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả. Ảnh: X.H

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam), đến ngày 2.6, Quảng Nam ghi nhận ghi nhận 792 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 16/18 huyện, thị xã, thành phố, tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Đại diện CDC Quảng Nam cho biết, đơn vị này đã xác minh ca bệnh và xử lý 32 ổ dịch, trong đó nhiều nhất là thị xã Điện Bàn và Tam Kỳ với 7 ổ dịch, các địa phương còn lại số ổ dịch rải rác ở nhiều khu vực.

Ông Lê Văn Tiến – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Núi Thành cho biết, các ổ dịch tại huyện Núi Thành đã tạm thời được kiểm soát ổn định với số ca mắc ghi nhận gần 30 trường hợp. Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, số trường hợp được xác nhận mắc SXH và phải nhập viện điều trị cũng đang có chiều hướng tăng.

Theo ghi nhận của các chuyên gia y tế, căn cứ vào chu kỳ dịch bệnh, cứ sau 5 năm sẽ có một đỉnh dịch SXH. Lần dịch xảy ra lớn và gần đây nhất vào năm 2017 và năm nay được dự báo sẽ xuất hiện đỉnh dịch.

Hiện tại, các tỉnh phía nam, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh đang ghi nhận tình trạng số ca mắc gia tăng, trong đó có rất nhiều trường hợp trở nặng. Các địa phương này đang vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi cũng như tạo cơ hội để bệnh SXH lan rộng. Tại Quảng Nam, nắng nóng kèm theo mưa trái mùa cũng là nguyên nhân làm bệnh SXH có chiều hướng gia tăng.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, mặc dù có sự khác biệt giữa các bệnh như SXH, nhiễm Covid-19 nhưng cả 2 bệnh đều do siêu vi nên giai đoạn đầu bệnh có các biểu hiện khá giống nhau.

Nhiều người nhầm lẫn giữa SXH và sốt do Covid-19 nên người bệnh ngại ngần trong việc đi thăm khám, xét nghiệm. Đây là thực tế ở nhiều địa phương khiến cho việc điều trị giai đoạn sớm của bệnh SXH bị trì hoãn.

Theo đó, với SXH, bệnh nhân sẽ sốt rất cao, 39 – 40 độ. Ngoài ra, người bệnh sẽ có thêm triệu chứng đau đầu, đau mỏi người. Với Covid-19, nếu người bệnh đã tiêm vắc xin thì sốt sẽ không cao, ở mức 38 – 38,5 độ.

Bệnh SXH hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, nên biện pháp hiệu quả vẫn là giữ môi trường sạch sẽ, thông thoáng, diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình và quanh khu vực sinh sống.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế thực hiện rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh SXH. Các bệnh viện củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị SXH” và “Đường dây nóng phòng chống dịch SXH” để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết…



Nguồn: baoquangnam

Chính trị - Kinh tế - Xã hội