Góc phố dịu dàng | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

Góc phố dịu dàng | BÁO QUẢNG NAM ONLINE


Tôi đã không thể nhận ra đường Ngô Chân Lưu, cái tên mà anh bạn mình vừa nhắn địa chỉ, là con hẻm nổi tiếng với danh xưng “trung tâm bỏ sỉ” nằm nép mình ngay chợ Tam Kỳ. Hẻm, giờ đã có tên, không còn phải “ký gửi” phận mình vào con số phía sau một tên đường khác, rồi vô tình làm tươi mới một góc phố dịu dàng. Nơi đó, anh bạn vừa mở cửa đón tôi vào một không gian của gốm và hồi ức…

Không gian một quán cà phê trong hẻm ở Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Không gian một quán cà phê trong hẻm ở Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

1. Chúng tôi gặp nhau một năm chừng hai ba bận. Lạ, là toàn tìm nhau ở hẻm. Anh kể, trong một con hẻm nhỏ gần chợ Hòa Hương (Tam Kỳ), anh lớn lên với những ký ức vụn ở xóm nhỏ của dân lao động, rồi đi xa khi ồn ã của phố chưa kịp chạm vào hẻm. Trở về, sau hơn mười năm như một kẻ du mục giữa những ước mơ không tròn vẹn của tuổi trẻ, anh tìm lại mình, ở một con hẻm khác. Tìm lại và làm lại.

Ai đó, hình như vô thức, gọi Tam Kỳ bằng thị xã, tự dưng lại nghĩ đến “phố” của ngày trước, nhỏ bé trong lòng bàn tay. Bây giờ thì thênh thang đường sá, thênh thang phố, những khu dân cư, những chợ, nhưng rất nhiều con hẻm vẫn bình lặng thoát ra khỏi ồn ã.

Như một chứng nhân cho cuộc lớn lên của biết bao đứa trẻ, biết bao phận người, ngày này tháng nọ hẻm cứ ghi dấu những ký ức, nhỏ bé nhưng yên bình. Cư dân hẻm, vì thế cũng khác. Tôi thấy nhiều người trong số họ lặng và chậm sống cuộc đời mình, theo một cách rất… hẻm.

Nơi đó, những cánh cửa có thể nhìn vào nhau, người ta chào nhau bằng mắt, bằng nụ cười, bằng những cảm thông giản dị. Chỗ mà tôi và anh gặp, có những con người như thế.

Ông chủ nhà ở đường Ngô Chân Lưu, nơi anh vừa mở một tiệm cà phê gốm, tạm gọi là thế, một ngày sau rất nhiều ngày chạm mặt, nhắc nhẹ số nhà của anh là số 5, không phải là số 7 như anh vẫn tưởng. “Số 7 là nhà của chú”.

Ông anh cười hềnh hệch: “Con thích số 7 chú”. Ông chú cũng cười. Thỏa thuận coi như xong, chủ tiệm và hàng xóm… chung một số nhà. Thì ngày trước, khi còn là hẻm, cũng có ai đặt tên rồi phân tách bằng… số. Hỏi tên là chỉ, vui vui còn dẫn qua tới tận nhà.

Tôi không biết tiệm cà phê gốm làm xong lúc nào. Trong suốt những ngày dịch giã u buồn phủ kín phố phường, người bạn của tôi đã lặng lẽ vùi mình vào căn nhà cũ ở Ngô Chân Lưu ấy để rồi chăm chút từng góc nhỏ.

Một ngày, tôi gọi, anh bạn đọc cho cái số nhà và tên đường lạ hoắc đó, lục tìm trên Google Maps, rồi đi tới tận nơi, bước vào, rồi chìm trong cái dịu dàng của gốm, cà phê tự pha và nhạc, mới thấy những lặng yên của hẻm vô tình lại thành một thứ “xa xỉ phẩm” của phố.

Dù không hiếm quán cà phê “vintage” đã xuất hiện (và biến mất) ở khắp các ngã, chốn này. Anh chưa bán cà phê. Tôi phải tự đi lục tìm, tự pha và chọn lấy một chỗ ngồi, nhưng vô tình, đó cũng là thứ bình yên giản dị ban tặng cho những người khách đầu tiên bước vào góc phố của anh. Góc phố của một-người-trong-hẻm.

2. Rất lâu, chừng hai mươi năm trước, tôi có quãng đời phổ thông nơi một con hẻm nhỏ nằm trong phố cổ Hội An. Trong trí nhớ, cũng là những con hẻm rêu xanh, nơi tiếng rao đêm vọng suốt một miền hoài nhớ. Tiếng rao của trăm năm mà không cũ, bởi những má, những mẹ đã gắn cả đời mình với gánh hàng, khi là hến từ phía Cẩm Nam, khi là thùng đậu hũ, gánh tảo tần đi dọc các con hẻm dài xuyên qua phố.

Khi đó, phố cũng chưa thức giấc với ồn ã du lịch như bây giờ, tiếng gót chân, nếu có, thảng hoặc chỉ chạm nhẹ và lướt qua lòng phố. Phố cất giữ tiếng rao của những quang gánh, cất thăng trầm dưới lớp rêu xanh, mặc cho bao biến thiên của phận người theo thời gian dâu bể…

Bất cứ con hẻm nào cũng sẵn sàng trở thành một góc phố dịu dàng, trong ký ức. Nhưng đó đã là quá khứ. Tốc độ phát triển của đô thị, đòi hỏi phải đánh đổi nhiều giá trị. Phố, bằng những hối hả của thời cuộc, bằng nhu cầu phải nới rộng tấm áo thị thành vốn dĩ đã bắt đầu chật chội với những cư dân đông dần, buộc phải chọn. Cư dân của phố, cuộc sống và số phận cũng khác.

Nhiều thứ chuyển mình và trong cơn biến động quá nhanh ấy, những góc phố chẳng còn có thể dịu dàng nữa. Chộn rộn bán mua, chộn rộn đổi chác. Những gương mặt người lạnh hơn khi họ quá bận để có thể vun vén cho những giao tình theo cách của những-người-trong-hẻm.

Sẽ có phần ích kỷ khi cứ muốn giữ lại ký ức cũ kỹ với phố, của ngày còn nghèo khó. Nhưng những đổi thay chóng vánh của phố ít nhiều mang đi giá trị thuộc về văn hóa, thuộc về những tầng vỉa nằm sâu trong cách ứng xử của cư dân. Như gốm đó thôi. Có gia đình nào thời trước không có ít nhất một thứ đồ gốm trong nhà của mình: những bình, những hũ, những ấm chén…

Rồi dần dần, gốm chẳng còn được vẹn nguyên công năng của nó, đôi khi buộc phải kết hợp diêm dúa để trở thành thứ đồ trang trí, “sống” trong một hình hài khác, với một vai trò khác. Thế nên bước vào cánh cửa của một nơi thuộc về miền xưa cũ, bắt gặp và lắng nghe câu chuyện của ký ức, để bụi thời gian bám lên lớp áo mà cảm nhận rõ được đặc ân dịu dàng quá khứ trao tặng đến hôm nay… Mặc kệ bao nhiêu tất bật bên ngoài con hẻm, góc phố vẫn dịu dàng nuôi dưỡng những trong trẻo của ngày hôm qua.



Nguồn: baoquangnam

Chính trị - Kinh tế - Xã hội