Khai thác tài nguyên rừng ở… biển | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

Khai thác tài nguyên rừng ở… biển | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

(VHQN) – Nhắc về xứ đảo Cù Lao Chàm (Hội An), người ta hay mường tượng ngay đến biển cả bao la. Nhưng đâu chỉ có vậy, nơi này còn sở hữu nhiều nguyên liệu quý từ những cánh rừng trù phú sinh sôi trên đảo.

Tuy diện tích tự nhiên nhỏ nhưng số lượng loài dược liệu ở rừng đặc dụng Cù Lao Chàm vẫn xấp xỉ nhiều khu vực rộng lớn khác trên địa bàn tỉnh. Ảnh: H.S
Tuy diện tích tự nhiên nhỏ nhưng số lượng loài dược liệu ở rừng đặc dụng Cù Lao Chàm vẫn xấp xỉ nhiều khu vực rộng lớn khác trên địa bàn tỉnh. Ảnh: H.S

“Thủ phủ lá uống”

Nhiều người từng đến Cù Lao Chàm khó quên vị nước lá lao. Những ai từng thưởng thức đều biết loại nước này có màu vàng nâu đậm, vị hơi ngọt. Chế biến cũng khá đơn giản, nấu lấy nước uống hoặc hãm lá bằng nước sôi để uống. Không khác mấy so với cách nấu nước lá trong đất liền.

Từ lâu rồi, trong các cuộc họp hành, bữa ăn trưa ở nhà hàng hay đơn giản là tạt vào nhà dân ven đường để xin cốc nước, ở đâu cũng thấy bình trà lá lao. Một người dân ở Bãi Hương nói vui: “Ở đây tụi tôi uống nước này nhiều hơn nước lọc”.

 Ở xứ này, rong chơi ở ngõ ngách nào cũng có thể bắt gặp… “lá uống” (người địa phương hay gọi là lá lao). Nghiên cứu của Phòng Kinh tế TP.Hội An cho thấy, bộ thực vật được sử dụng làm “lá uống” ở Cù Lao Chàm có ít nhất 87 loài. Trong đó, có gần 20 loài được khai thác phổ biến bao gồm: bồ đề núi, cam thảo dây, dủ dẻ, hà thủ ô, riềng núi, sâm núi, vằng đắng…

Mùa hè là thời điểm lý tưởng để khai thác, sơ chế các loại lá rừng ở Cù Lao Chàm.
Mùa hè là thời điểm lý tưởng để khai thác, sơ chế các loại lá rừng ở Cù Lao Chàm.

Mùa cao điểm khai thác các loài “lá uống” khoảng từ tháng 3 đến tháng 7, khi thời tiết tạnh ráo, nắng nhiều. Theo các cụ cao niên trên đảo, mùa hè cũng là mùa cho lá chất lượng ngon nhất. Kinh nghiệm dân gian cho thấy ngoài giải khát, lá lao còn giúp ăn ngon, ngủ khỏe…

Nhiều loài dược liệu trên đảo có thể vừa làm lá uống, vừa sơ chế thành rau ăn như: dâu tằm, bồ đường (lạc tiên), bươm bướm (bướm bạc), mã đề, kim cang đỏ, kim cang trắng… Dần dà, tiếng tăm các loại dược liệu trên đảo vượt biển vào đất liền, trở thành đặc sản, thức quà quê vừa mộc mạc vừa độc đáo mà ai ra Cù Lao Chàm cũng muốn gom một ít để biếu tặng bạn bè, người thân.

Ông Học (hơn 70 tuổi, trú thôn Bãi Ông) bộc bạch, người dân ở đây chuộng sử dụng “rau rừng”, “lá uống” vì ngày trước đi lại với đất liền hết sức khó khăn. Ăn rau rừng thay cho rau xanh còn lá uống thế cho nước chè. Mà hai thứ này mọc tự nhiên trên đảo rất nhiều, có thể duy trì ổn định quanh năm.

Cần quản trị tài nguyên bền vững

Trong ký ức của những người đã luống tuổi trên đảo, thảo dược xứ này mênh mang lắm. Với họ, đảo là nhà. Cây, lá rừng cũng như cây trong vườn nhà. Kinh nghiệm tích lũy sau bao năm gắn bó với rừng đã giúp người dân ở đây khai thác đúng quy luật “chặt một nhánh thì thời gian sau nó sẽ sinh sôi, nứt thêm nhiều nhánh khác.

Chứ để đó không đốn thì nó cũng già đi, dần suy kiệt và cây rừng cũng không bền được”. Như vòng tuần hoàn của tự nhiên, thảo dược từ rừng đã góp sức để con người cùng nhiều loài động vật hoang dã sinh tồn nơi biển khơi khắc nghiệt.

Hệ sinh thái tự nhiên Cù Lao Chàm có mối quan hệ mật thiết với hệ sinh thái Trung Trường Sơn – một trong 20 hệ sinh thái được ưu tiên bảo tồn trên toàn cầu. Cù Lao Chàm chủ yếu có kiểu rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới núi thấp.

Khu hệ thực vật rừng Cù Lao Chàm được đánh giá là có tính đa dạng sinh học cao, là một trong số ít đảo trên cả nước còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ tương đối lớn (khoảng 60 – 70%).

Thử một so sánh nhỏ về mức độ đa dạng của dược liệu xứ đảo. Về diện tích tự nhiên, khu bảo tồn Sao La Quảng Nam có diện tích gấp hơn 9 lần, còn vườn quốc gia Sông Thanh gấp đến hơn 45 lần rừng đặc dụng Cù Lao Chàm. Nhưng tổng số loài được định danh và loài cây thuốc được ghi nhận ở rừng Cù Lao Chàm đều xấp xỉ hai khu vực trên.

Theo TS. Trần Minh Đức – Trường Đại học Nông lâm Huế, tuy diện tích tự nhiên nhỏ hơn nhiều lần so với các khu bảo tồn khác ở Quảng Nam nhưng số lượng và tỷ lệ loài cây dược liệu tại rừng đặc dụng Cù Lao Chàm đạt giá trị tương đương.

Kết quả này cho thấy tiềm năng về dược liệu ở Cù Lao Chàm rất cao đồng thời cũng phản ánh tính mong manh, dễ bị tổn thương của nguồn tài nguyên tại đây cũng cao hơn các nơi khác.

Chỉ trên diện tích hơn 15km2, rừng Cù Lao Chàm vừa mang chức năng lưu trữ nguồn gen vừa đem lại giá trị sinh thái, giá trị kinh tế. Với người dân bản địa, rừng là nhà. Rừng góp phần lưu giữ nước ngọt, hạn chế xói mòn, điều hòa khí hậu và chứa đựng nhiều “năng lượng” tích cực cho sức khỏe con người.

Bao đời, người Cù Lao Chàm trân quý màu xanh của rừng sánh cùng màu xanh biển cả. Hơn ai hết, họ thấu hiểu rừng cho họ cuộc sống tốt hôm nay. Và, họ cần phải tiếp tục bảo tồn, phát triển tài nguyên này đến ngàn sau…



Nguồn: baoquangnam

Chính trị - Kinh tế - Xã hội