Khi “kim chỉ nam” bị cất trong tủ kính

Khi “kim chỉ nam” bị cất trong tủ kính

LTS: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ rõ một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là:

“Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị (LLCT); lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Trước bối cảnh thời cuộc, nhiệm vụ thời kỳ mới, đòi hỏi cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) cần xác định thái độ, động cơ đúng đắn để việc học tập LLCT trở thành nhu cầu thiết thân.

Tình trạng lười học LLCT diễn ra ở không ít CB, ĐV, trong chính một số tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Có những người coi thường lý luận, cho đó là lý thuyết suông, là giáo điều, rằng lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, không còn sức sống. Họ đã hiểu được gì từ lý luận?

Cách giải thích ngụy biện

Chúng tôi đã làm một trắc nghiệm nhỏ dành cho một số đảng viên, đó là trả lời câu hỏi: “Nền tảng tư tưởng của Đảng ta là gì?”. Khá bất ngờ khi nhiều đảng viên không trả lời đúng câu hỏi này. Thậm chí, một số đảng viên “không có khái niệm” thế nào là nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đảng viên là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng… Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đảng viên là: “Tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Đảng…”. Với vai trò cốt yếu đã được xác định, vậy nhưng chính một số đảng viên lại không hiểu, không rõ về nền tảng tư tưởng của Đảng thì họ sẽ bảo vệ Đảng ra sao? Đảng viên lãnh đạo quần chúng thực hiện xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản bằng cách nào? Phải chăng họ chỉ lãnh đạo bằng mệnh lệnh mà thiếu hẳn sự thuyết phục; bằng chủ nghĩa kinh nghiệm mà không có đường lối, không có mục tiêu, lý tưởng? Thực trạng này có chung một nguyên nhân, đó là do CB, ĐV lười học LLCT, lười học Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghị quyết của Đảng, lười đọc sách lý luận, lười đọc báo Đảng…

Bài 1: Khi “kim chỉ nam” bị cất trong tủ kính
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN.

Nhiều người đổ lỗi cho khách quan, rằng nhiều việc chuyên môn, do các mối quan hệ chi phối khiến họ không có thời gian cho việc học LLCT. Sự giải thích đó không thuyết phục. Việc học LLCT nếu là nhu cầu tự thân thì có thể học, tìm hiểu mọi lúc, mọi nơi, tận dụng những khoảng thời gian trong chính công việc chuyên môn của mình. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, chính Các Mác, Lênin, Hồ Chí Minh, các nhà cách mạng Việt Nam đã tận dụng mọi cơ hội, dù trong tù ngục hay ở những thời khắc “ngàn cân treo sợi tóc”, bị các thế lực truy lùng bắt bớ, những lúc công việc bộn bề, họ vẫn dành thời gian để học tập, nghiên cứu, phát triển và vận dụng lý luận vào thực tiễn đấu tranh cách mạng. Thậm chí trước họng súng kẻ thù, những chiến sĩ cách mạng kiên trung vẫn nhìn thấy “mặt trời chân lý”, vẫn tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng chủ nghĩa xã hội, cách mạng sẽ thành công bởi hành trang lý luận họ được học, được trang bị. Và cuối cùng, họ đã đúng. Cách mạng đã thành công. Bởi thế, nếu ai đó giải thích vì công việc chuyên môn khiến họ không có thời gian học LLCT thì chỉ là một sự ngụy biện.

Tình trạng một số CB, ĐV nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học tập LLCT đang là một thực tế. Trong khi lười học lý luận nhưng một số người lại rất cơ hội, quá khích khi tiếp cận các thông tin được coi là độc, lạ trên mạng xã hội. Và do không có thế giới quan, phương pháp luận khoa học nên một số người dễ nhìn nhận vấn đề sai lệch, dễ bị sa vào bẫy “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch chống phá chế độ cài vào. Có kẻ đã hùa theo việc “quay xe” công kích hệ tư tưởng Mác-Lênin, cho rằng đó là một viễn cảnh không có hồi kết. Cũng có người đã lợi dụng vị trí của mình trong công tác tuyên truyền, phổ biến LLCT để phê phán, tỏ thái độ bất mãn, chê bai lý luận, chê bai xã hội, chê bai chế độ trong khi mình là người đang ăn cơm, mặc áo của chế độ. Một số CB, ĐV phát ngôn văng mạng trên internet, không chỉ vi phạm những điều đảng viên không được làm mà còn vi phạm pháp luật. Hiện tượng mà Đảng đã cảnh báo, đó là chủ nghĩa cơ hội đang xuất hiện. Những người này bề ngoài thì nói theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng thực chất là lợi dụng để chui sâu, leo cao vào Đảng để thăng quan tiến chức, để trục lợi.

Chính do thiếu kiến thức lý luận mà một số CB, ĐV có biểu hiện coi thường LLCT. Bởi thế, ngay cả khi được cử đi đào tạo thì cũng có người chỉ học đối phó, miễn cưỡng, “đánh trống ghi tên” cho đủ tiêu chí để được đề bạt, bổ nhiệm. Hiện tượng CB, ĐV học không đi đôi với hành, học lý luận nhưng không áp dụng vào thực tiễn, không vận dụng kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo không hiếm.

Ngày 5-5 cũng là ngày sinh của Các Mác. Trong cuộc đời mình, ông đã để lại cho nhân loại một kho tàng tri thức lý luận đồ sộ và phong phú trên nhiều lĩnh vực. Dù ra đời từ thế kỷ 19, những tác phẩm lý luận của Mác đến nay vẫn là những cuốn sách gối đầu giường của các đảng viên các đảng cộng sản, các nước xã hội chủ nghĩa và vẫn luôn khẳng định ảnh hưởng to lớn trong lòng xã hội tư bản, điển hình là “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” và bộ “Tư bản” do Mác lao tâm khổ tứ để viết nên.

Gốc có vững, cây mới bền

Có nhiều lăng kính để lý giải về tình trạng lười học, ngại học LLCT của CB, ĐV. Nguyên nhân từ phía người học chưa có nhận thức, động cơ đúng dẫn đến ngại học, học đối phó; từ phía một bộ phận người truyền thụ (người dạy) chưa thực sự nhiệt huyết, phương pháp còn khô cứng, đơn điệu; chương trình học tập LLCT còn một số bất cập… Trong khi đó, tác động từ khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu; những khó khăn, thách thức của các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh quốc tế hiện nay; nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa được lý giải và xử lý kịp thời, hiệu quả cũng ảnh hưởng đến thái độ, động cơ của người học.

Nhìn nhận từ góc độ chủ quan của chính CB, ĐV cho thấy, sự mất gốc, hổng kiến thức LLCT ngay từ nền tảng ban đầu là một trong những nguyên nhân khiến CB, ĐV nhận thức chưa đúng về việc học tập LLCT. Theo một trình tự logic, đảng viên phải bắt đầu được bồi dưỡng LLCT từ khi là đoàn viên, là sinh viên chứ không chờ đến lúc là đảng viên mới bồi dưỡng. Đoàn Thanh niên là cánh tay đắc lực, là đội hậu bị của Đảng. Bởi thế, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, nuôi hoài bão, khát vọng… phải được quan tâm từ sớm. Trong khi thực tế nhiều tổ chức đoàn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Qua khảo sát của nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân (Đức Tuấn-Huyền Trang) đầu năm 2022: Ở nhiều cơ sở đoàn, thanh niên cứ đến tuổi là được cho đi học lớp tìm hiểu về Đoàn Thanh niên ít buổi, sau đó được yêu cầu viết bài thu hoạch mang tính hình thức và tiến hành kết nạp. Trong khi đó, hình thức đào tạo khô khan, cứng nhắc, nội dung học tập chỉ dừng ở việc nêu định nghĩa tổ chức đoàn mà thiếu đi cơ sở thực tiễn nên không cuốn hút, không giúp thanh niên nắm được những vấn đề cơ bản như mục tiêu, lý tưởng, trách nhiệm khi tham gia tổ chức đoàn. Thậm chí khi được hỏi, một đoàn viên ở Bắc Ninh cho biết: “Tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên đã 5 năm. Lúc đó, tôi học lớp 9 hay lớp 10 gì đó. Vì không còn ai nên tôi được huy động vào Đoàn”. Nhiều bạn trẻ khi được hỏi, họ không hiểu mục tiêu, lý tưởng vào Đoàn để làm gì. Cho nên khi trở thành đảng viên, họ đã bước đầu hổng kiến thức lý luận. 

Ở bậc đại học, độ tuổi được đánh giá là quan trọng nhất, ngấm, thấm nhất những kiến thức được trang bị của người học, những chương trình đào tạo trong nước đều đã đưa vào các môn LLCT nhằm đặt nền móng cho việc xây dựng lập trường, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng cho sinh viên, đoàn viên, thanh niên. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, có cả việc chưa coi trọng các môn lý luận nên chương trình đào tạo dành cho các môn lý luận Mác-Lênin như: Triết học, Kinh tế-chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều sự thay đổi, cắt xén nội dung, chương trình, lý luận bị mất tính logic, trở nên khô cứng, khiến sinh viên không hứng thú và có tư tưởng coi nhẹ việc học các môn này. Hậu quả là họ hổng kiến thức, thậm chí mất gốc dẫn tới ngại học, lười học. Tháng 12-2021, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân (Hoàng Hoàng-Thu Hà) đã tiến hành khảo sát với 3.020 sinh viên trên cả nước. Trả lời câu hỏi về lợi ích của các môn LLCT, hầu hết sinh viên sau khi học xong đều thể hiện nhận thức tích cực về lợi ích của các môn học đối với bản thân. Song, nghịch lý là khi được hỏi về mức độ yêu thích với từng môn học cụ thể, câu trả lời “Bình thường” chiếm tỷ lệ hơn 50%. Điều này cũng đặt ra vấn đề rất đáng suy nghĩ về thái độ, động cơ học tập LLCT của người học và phương pháp truyền thụ của người dạy.

Đất nước mở cửa, hội nhập mạnh mẽ. Tuy vậy, sự tác động của kinh tế thị trường, lối sống tư bản, quá đề cao lợi ích vật chất, hưởng thụ khiến nhiều CB, ĐV không còn quan tâm đến yếu tố chính trị tinh thần, lợi ích cộng đồng, giá trị tốt đẹp trong xã hội. Một số CB, ĐV xa lạ với mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, xóa nhòa vấn đề giai cấp, dân tộc. Có những đảng viên không quan tâm đến đời sống chính trị của đất nước, dẫn tới không quan tâm đến việc học tập, nâng cao trình độ LLCT. Họ chỉ coi đó là tiêu chí bổ sung, hợp thức để được thăng tiến. Nhận thức như vậy khiến CB, ĐV trở nên bàng quan, thờ ơ với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; không quan tâm đến phát triển, bổ sung, tổng kết lý luận, vận dụng lý luận vào thực tiễn như bản chất của lý luận đã chỉ ra.

Trong khảo sát tổng hợp những cuốn sách, tài liệu mà sinh viên Mỹ bắt buộc phải đọc trong hơn một triệu bài giảng năm 2016, “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” của Các Mác đã bỏ xa các cuốn sách phía sau để trở thành tài liệu được giáo viên Mỹ giảng dạy rộng rãi nhất, cả về số bài giảng lẫn tần suất được giảng dạy. “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” được sử dụng làm tài liệu giảng dạy về lý thuyết xã hội, trong khi về chuyên ngành kinh tế, bộ “Tư bản” của Mác phân tích về sự vận hành của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng luôn được đưa vào giảng dạy. 

(còn nữa)

NGUYỄN ANH TUẤN

Nguồn: huongsenviet

Chống diễn biến hòa bình