Khi newsfeed thiếu đi ký ức | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

Khi newsfeed thiếu đi ký ức | BÁO QUẢNG NAM ONLINE


Các dòng tin trôi tuột trên facebook mỗi ngày, mỗi giờ không có nghĩa là không có gì. Tháng 6. Những dòng kỷ niệm “ngày này năm trước” hiện lên, khi TP.Hồ Chí Minh trong tâm chấn của đại dịch Covid-19, mà nếu không ghi dấu bằng sự kiện hẳn còn ai nhớ ai quên…

Tranh LA THANH HIỀN.
Tranh LA THANH HIỀN.

Hôm 31.5, facebook nhắc lại cho nhiều người một kỷ niệm đúng một năm về trước: 0h đêm đó bắt đầu lệnh giãn cách xã hội trên toàn TP.Hồ Chí Minh trong hai tuần, và sau hai tuần đó là ba tháng phong tỏa chống dịch, một chuỗi ngày u ám với người Sài Gòn.

Ba tháng tiếp theo đây sẽ là ngày giỗ đầu của 20.000 người đã chết trong đợt dịch năm ngoái. Cái chết của họ để lại ám ảnh cả đời cho người thân và là một bi kịch ở tầm vóc lịch sử của đất nước, nhưng vì sao nay rất ít người còn nhắc đến?

Một năm qua đi và sau những ngày trăn trở về thế giới, về tự nhiên, về sự hữu hạn của đời sống với đủ các triết lý từ đông sang tây, nay chúng ta lại vô tư tiếp tục sống với những vui buồn hời hợt tầm phào trên facebook. Còn ai nhớ đến họ không ngoài gia đình và bạn bè? Và ký ức tập thể về họ là gì? Nó đang bị che lấp bởi điều gì?

Báo chí thế giới và chuyện bản quyền trên facebook

Tháng 6.2021, Úc đã chính thức thông qua luật yêu cầu facebook và Google phải trả tiền cho các hãng truyền thông, báo chí địa phương khi sử dụng, tìm kiếm hay chia sẻ các bài viết của họ. Để trả đũa, facebook chặn người dùng Úc không cho truy cập, nhưng cuối cùng phải đồng ý trả 1 tỷ USD cho báo chí Úc trong 3 năm tới.

Để chống lại sự bắt nạt của những Big Tech, nhiều nước khác cũng học theo Úc. Hồi tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Văn hóa Vương quốc Anh cho biết, Anh sẽ xây dựng một hệ thống thương lượng như Úc để bảo vệ ngành báo chí và xuất bản.

Thủ tướng Canada – Justin Trudeau đã cam kết sẽ làm theo cách tương tự. Tại Mỹ, Liên minh Truyền thông Tin tức, đại diện của hơn 2.000 tổ chức thành viên cũng vận động cho “Luật Bảo vệ và Cạnh tranh Báo chí”, cho phép các nhà xuất bản có thể “thương lượng với những nền tảng trực tuyến về các điều khoản phân phối nội dung”.

Những quốc gia bổ sung vào danh sách “xung đột với facebook” (từ dùng của Business Insider) mới đây nhất là Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Đây cũng là kinh nghiệm cho Việt Nam để xây dựng một nền báo chí hiện đại và chuyên nghiệp.

Buổi sáng vừa thức dậy ta đã cầm điện thoại lên đọc những tin tức trên newsfeed. Dòng tin liên tục nhảy nhót từ chiến tranh Ukraina sang giá xăng tăng, trend sao nữ cưới “phi công trẻ”, cho đến những tấm ảnh selfie của bạn bè, những bàn nhậu kề vai bá cổ cùng các quảng cáo xen vào…

Sự chú ý của ta cũng liên tục nhảy nhót đến không còn đủ kiên nhẫn để đọc cái gì dài một chút, đòi hỏi nghĩ ngợi và tập trung, ta thả icon haha những tấm ảnh hài hước, ta nhấn phẫn nộ tin tức tiêu cực, ta nhanh chóng like những thứ dễ dãi không cần suy nghĩ, ta gõ vội dòng chúc mừng sinh nhật hay thành kính phân ưu, ta bình luận bằng chút ý nghĩ thoáng qua trong đầu.

Khi bỏ chiếc điện thoại xuống ta cũng quên hầu hết mọi thứ, ta không còn bị dằn vặt bởi điều gì lâu quá một ngày, bởi còn phải delete chúng để sáng mai lại tiếp tục với một newsfeed mới.

Việt Nam nằm trong top 12 nước có số người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất trên thế giới, chiếm gần 74% dân số. Cùng với cái chết của báo in và mô hình doanh thu 80 – 20 (80% từ quảng cáo, 20% từ phát hành báo), mạng xã hội đã trở thành thị trường chính của báo chí, vì quảng cáo – nguồn sống của các tờ báo đều đến từ đó. Không đáp ứng được thị hiếu của khách hàng thì những tờ báo 100% tự chủ tài chính chỉ còn con đường đi vào chỗ chết.

Không chỉ Việt Nam, xu hướng này đang xảy ra trên khắp thế giới. Bất kỳ ai đang làm việc trong nghề truyền thông cũng đều nhận thấy sự phát triển không ngừng của công nghệ kỹ thuật số đang dẫn dắt hướng đi của báo chí trong phục vụ thị hiếu độc giả.

Báo chí truyền thống với nguyên tắc phục vụ lợi ích công, vì cuộc sống và sự an toàn của cộng đồng, đang gặp khó khăn nghiêm trọng trên toàn cầu.

Điều này lại xảy ra vào thời điểm mà độc giả khao khát thông tin chính xác hơn bao giờ hết. Khi đại dịch bắt đầu, khảo sát của Học viện Báo chí Reuters cho thấy các tờ báo đã chứng kiến ​​lượng truy cập tăng đột biến, khi mọi người đều muốn tìm hiểu về loại vi rút mới đang đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Nhưng với việc chia sẻ không bản quyền của mạng xã hội, lượng độc giả tăng lên không tạo ra doanh thu cao hơn cho các hãng truyền thông. Trên thực tế, doanh thu của các cơ quan báo chí đã giảm mạnh từ rất lâu trước khi xảy ra đại dịch, ngay cả khi mức độ tương tác của độc giả ngày càng tăng.

Từ các quốc gia giàu có đến những nước đang phát triển, các tòa soạn báo bị đóng cửa, phóng viên mất việc làm và từ đó những khoảng trống tin tức xuất hiện.

Tranh LA THANH HIỀN.
Tranh LA THANH HIỀN.

Ở Mỹ, từ năm 2004, đã có 1.800 tòa soạn báo đóng cửa, đa số là báo địa phương. Việc thiếu hụt nguồn tin chính xác, được xử lý chuyên nghiệp từ các nhà báo đã tạo ra môi trường cho tin giả sinh sôi và lan rộng. Đó là lúc người ta giật mình vì sự cần thiết của truyền thông công ích.

Chưa kể báo chí phục vụ lợi ích công còn có những chức năng cao hơn việc đưa tin thật – nó kể những câu chuyện của con người đằng sau những số liệu thống kê khô khan và biểu đạt những thông tin phức tạp thành những câu chuyện mạnh mẽ, từ đó tạo ra chuyển biến trong xã hội.

Trong cơn suy thoái của nghề báo toàn cầu, các tòa soạn báo chí khắp thế giới đều đang đứng trước thách thức về đạo đức, tìm kiếm sự cân bằng giữa phục vụ lợi ích công hay thị hiếu độc giả.

Trở lại với 20 ngàn sinh mạng đã tử vong trong đợt dịch ở TP.Hồ Chí Minh, nếu bây giờ một tờ báo đi loạt bài điều tra về con số những cái chết oan khiên, vì phương pháp chống dịch phản khoa học, vì những sai lầm ở một số giai đoạn, sẽ nhận được sự quan tâm của độc giả ở mức độ nào, hay sẽ chìm nghỉm trong biển thông tin mỗi ngày sượt qua tâm trí người đọc, đó là câu hỏi lớn đối với tòa soạn và chắc chắn là một lựa chọn rất phiêu lưu.

Độc giả nào sẽ có truyền thông nấy. Nhưng nếu để ký ức tập thể về những cái chết đó trôi dần vào lãng quên, nếu không nhắc nhở về nó, không thảo luận về nó ở một tầm mức sâu sắc xứng đáng, thì đến một lúc nào đó ta sẽ lại chứng kiến hàng chục ngàn cái chết khác, vì những lý do tương tự.



Nguồn: baoquangnam

Chính trị - Kinh tế - Xã hội