Kinh tế Hiệp Đức chuyển biến tích cực | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

Kinh tế Hiệp Đức chuyển biến tích cực | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ đầu năm 2022 đến nay lĩnh vực kinh tế của huyện Hiệp Đức có bước chuyển biến tích cực.

Thời gian qua, lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Hiệp Đức có bước chuyển biến tích cực. Ảnh: P.Đ
Thời gian qua, lĩnh vực sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của Hiệp Đức có bước chuyển biến tích cực. Ảnh: P.Đ

Ông Lê Văn Bảy – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, trong 2 vụ sản xuất đông xuân và hè thu của năm 2022, nông dân trên địa bàn huyện canh tác 2.285ha lúa và hơn 243ha bắp.

Mặc dù thời gian qua thời tiết diễn biến bất thường, các loại sâu bệnh bùng phát nhưng nhờ nông dân địa phương chú trọng đầu tư thâm canh và chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ dịch hại nên hầu hết diện tích cây trồng phát triển tốt, cho năng suất khá.

Năm nay năng suất lúa bình quân của Hiệp Đức đạt hơn 56,9 tạ/ha và sản lượng lúa đạt gần 13.222 tấn (tăng hơn 4,6% so với kế hoạch và tăng 6,5% so với năm 2021). Trong khi đó, năng suất bắp bình quân cả năm của huyện đạt gần 52 tạ/ha và sản lượng bắp đạt hơn 1.264,6 tấn (tăng 2,9% so với kế hoạch và tăng 1,17% so với năm trước).

Ông Trần Thọ – Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Hiệp Đức cho biết, tính đến ngày 19.9.2022 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt gần 433,4 tỷ đồng, đạt 106,52% so với chỉ tiêu tỉnh giao cả năm. Trong đó, thu phát sinh kinh tế đạt hơn 62 tỷ đồng, tăng 101% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhờ các loại dịch bệnh nguy hiểm cơ bản được khống chế, từ đầu năm 2022 đến nay người chăn nuôi ở Hiệp Đức tiếp tục đầu tư tái đàn, từng bước khôi phục sản xuất. Tính đến thời điểm này, tổng đàn trâu của huyện là 1.753 con, đàn bò 9.511 con (trong đó bò lai chiếm tỷ lệ 92,06%), đàn heo 9.049 con và đàn gia cầm 119.377 con.

Thời gian qua người dân Hiệp Đức tập trung phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức sản xuất hàng hóa, an toàn dịch bệnh. Đến nay, toàn huyện có 350 mô hình nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, heo thịt, gà thương phẩm, gà đẻ trứng, vịt thịt… với quy mô vừa và lớn cho nguồn thu nhập khá.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thu mua gỗ keo nguyên liệu trên thị trường tăng mạnh nên nông dân huyện Hiệp Đức có nguồn thu nhập cao. Ảnh: P.Đ
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thu mua gỗ keo nguyên liệu trên thị trường tăng mạnh nên nông dân huyện Hiệp Đức có nguồn thu nhập cao. Ảnh: P.Đ

Ông Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay lãnh đạo huyện thường xuyên đôn đốc ngành liên quan và chính quyền các địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.

Cạnh đó, huyện ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết, nhất là 2 cụm công nghiệp Việt An và Quế Thọ 3.

Theo ông Nam, nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất hoạt động hiệu quả nên trong 9 tháng qua giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng của Hiệp Đức ước đạt hơn 425 tỷ đồng, tăng 5,91% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ước đạt gần 202 tỷ đồng, tăng 6,47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thời gian qua, hoạt động giao thương, quảng bá các mặt hàng nông sản được các cấp, các ngành của huyện Hiệp Đức đẩy mạnh. Thông qua các hoạt động lễ hội, triển lãm… đã tạo được môi trường giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2022 giá trị sản xuất thương mại – dịch vụ của Hiệp Đức ước đạt gần 408 tỷ đồng, tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước.



Báo Quảng Nam

Chính trị - Kinh tế - Xã hội