Kinh tế Quảng Nam năm 2022: Dự báo tăng trưởng vượt kế hoạch | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

Kinh tế Quảng Nam năm 2022: Dự báo tăng trưởng vượt kế hoạch | BÁO QUẢNG NAM ONLINE


Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, nếu không có biến động lớn ở những tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách địa phương năm 2022 sẽ đạt và vượt kế hoạch

Cùng với một số ngành công nghiệp, ngành sản xuất ô tô đã đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển và thu ngân sách của tỉnh trong 8 tháng đầu năm. Ảnh: T.D
Cùng với một số ngành công nghiệp, ngành sản xuất ô tô đã đóng góp lớn vào tăng trưởng, phát triển và thu ngân sách của tỉnh trong 8 tháng đầu năm. Ảnh: T.D

Xu hướng tích cực

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 bất ngờ sụt giảm 2,4%. Theo thống kê, sụt giảm chủ yếu thuộc về khai thác than cứng (giảm 16,6%), than non (21,3%), sản xuất chế biến thực phẩm (21,5%), dệt may (35,8%), chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sản xuất giường, tủ, bàn ghế (10,8%).

Tuy nhiên, tổng chỉ số sản xuất của toàn ngành 8 tháng qua vẫn tăng đến 26,2% so cùng kỳ năm trước. Tăng mạnh nhất thuộc về ngành sản xuất da và các sản phẩm liên quan (tăng 251%), sản phẩm từ cao su và plastic (71%), xe có động cơ (47%), khai khoáng (36%) và đồ uống (30%).

Sản lượng than đá, than cứng, phi lê và các loại thịt cá tươi, ướp lạnh, thức ăn gia súc, thủy sản… giảm. Song, cát tự nhiên, nước ngọt, giày dép thể thao, ô tô du lịch, điện sản xuất… đã tăng mạnh.

Đáng chú ý, trong khi một số ngành giảm chỉ số lao động, như khai khoáng (giảm 8,6%), dệt may (8,1%), sản xuất kim loại (18%), công nghiệp chế biến, chế tạo (8,1%), thì có một số ngành tăng mạnh, như sản xuất da và các sản phẩm liên quan (tăng 31%), sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (30%), sản phẩm từ cao su và plastic (24%), sản xuất có động cơ (31%), đã kéo chỉ số lao động của doanh nghiệp công nghiệp đến cuối tháng 8 tăng gần 10,7% so cùng kỳ năm trước.

Ảnh: T.D
Ảnh: T.D

Ngành công nghiệp không khói cũng không kém cạnh. Theo số liệu từ Sở VH-TT&DL, tổng lượt khách tham quan, lưu trú 8 tháng qua đã đạt đến con số 3,8 triệu lượt, tăng gấp 12 lần so cùng kỳ năm 2021. Nếu khách nội địa đạt 3,5 triệu lượt, tăng gấp 11 lần thì khách quốc tế dù chỉ khoảng 289 nghìn lượt khách cũng đã tăng gấp 18 lần so những tháng ngày “sống mòn” trong bão dịch Covid-19.

Nền kinh tế phục hồi một cách mạnh mẽ, cộng thêm nhịp điệu sôi động của vận tải, kho bãi (nhất là vận tải khách) đã giúp ngân khố nhà nước gia tăng kỷ lục. Tổng thu ngân sách nhà nước đến cuối tháng 8 đã đạt hơn 20.377 tỷ đồng (bằng 86% dự toán), tăng 46% so cùng kỳ (thu nội địa hơn 16.293 tỷ đồng, đạt 86% dự toán, tăng 32% so cùng kỳ năm trước).

Thu xuất, nhập khẩu hơn 4.401 tỷ đồng, bằng 86% dự toán, tăng 149 % so cùng kỳ năm trước. Lượng vốn từ ngân hàng đã đổ vào sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng gần 91,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so đầu năm và hơn 2.525 tỷ đồng vốn đầu tư công đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Lạc quan

Thống kê nguồn thu từ tiền sử dụng đất còn tiềm ẩn rủi ro, thu từ FDI chưa đạt tiến độ, tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa theo đúng tiến độ đề ra, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia chậm, giải ngân vốn đầu tư công yếu. Tuy nhiên, theo các dự báo, phát triển kinh tế địa phương 4 tháng còn lại của năm theo xu hướng gia tăng.

Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở Tài chính cho biết, con số thu ngân sách chính xác đến 31.8.2022 là 20.792 tỷ đồng (88%) và thu nội địa 16.400 tỷ đồng. Nếu không có chính sách giãn thu thuế tiêu thụ đặc biệt thì ngân sách đã đạt 100%. Đến 31.11.2022 sẽ có thêm ít nhất 4.500 tỷ từ thuế tiêu thụ đặc biệt nộp vào ngân sách.

 

Tăng trưởng GRDP sẽ đạt, ngân sách sẽ gia tăng, nhưng mối bận tâm lúc này của các cơ quan quản lý địa phương là chuyện giải ngân vốn đầu tư công quá chậm chạp và mùa mưa bão, thiên tai đã cập kề.

Ông Nguyễn Quang Thử – Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư nói, chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm và chuẩn bị bước vào mùa mưa bão mà giải ngân mới chỉ đạt 38,8% (không kể vốn Trung ương quản lý) thì khó có thể hoàn thành kế hoạch. Các chủ đầu tư cần tính toán cụ thể cho các phương án giải ngân, điều chuyển kịp thời vốn trước 15.11 (hạn cuối cùng), không thể để kéo dài, mất vốn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt được. Thu ngân sách sẽ đạt kỷ lục, vượt chưa từng có trong nhiều năm. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng khuyến cáo các sở, ngành, địa phương không quá chủ quan trước diễn biến bất thường của nền kinh tế và thời tiết.

Các chủ đầu tư buộc phải quyết liệt hơn nữa trong việc rà soát, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, giải ngân. Các địa phương, đơn vị ưu tiên xử lý các vướng mắc về thủ tục đầu tư (công, tư) để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022; xử lý khó khăn, vướng mắc giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư triển khai các dự án trọng điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhắc nhở các đơn vị liên qua tính toán công trình vượt lũ, nếu không thì sắp xếp điểm dừng kỹ thuật để giữ an toàn công trình. Bởi thiên tai gần đây luôn mang tính hủy diệt, nếu không ứng phó sẽ tác hại rất lớn.

Các cơ quan quản lý mở rộng việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án; tiếp tục rà soát, thanh tra, kiểm tra, thu hồi các dự án không thực hiện đúng cam kết.



Báo Quảng Nam

Chính trị - Kinh tế - Xã hội