Kỷ niệm 204 năm Ngày sinh Các Mác và học thuyết không bao giờ cũ, lỗi thời, lạc hậu

Kỷ niệm 204 năm Ngày sinh Các Mác và học thuyết không bao giờ cũ, lỗi thời, lạc hậu

Kỷ niệm 204 năm Ngày sinh Các Mác và học thuyết không bao giờ cũ, lỗi thời, lạc hậu

Nhân Văn

Trong số những người có quan điểm đối lập với Đảng ta, có ý kiến cho rằng “chủ nghĩa Mác – Lênin là tư tưởng ngoại lai, do Hồ Chí Minh du nhập từ ngoại quốc vào Việt Nam, đã lỗi thời, lạc hậu”, đã được đưa vào “bảo tàng của lịch sử” cùng với lý tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga kể từ ngày chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ năm 1989. Vậy nên, Đảng ta cũng nên “đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào bảo tàng cách mạng”, chỉ nên giữ lại và lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng cho mình là đủ. Có phải như vậy không, sự thật như thế nào, chắc mọi người đều đã rõ, đều đã hiểu lý do tại sao Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lại lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lênin và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội làm mục tiêu phấn đấu, coi đó là “chiếc cẩm nang thần kỳ”, là con đường giải phóng dân tộc, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, cơm no, áo ấm cho đồng bào, và sự thật, cuộc sống mà chúng ta có được ngày hôm nay đã nói lên tất cả, như thế nào là đúng, như thế nào là sai; ai là cũ, ai là mới.

Phải nói ngay rằng, sự ra đời của chủ nghĩa Mác – Lênin là kết quả vận động, phát triển chín muồi của các điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, nó không phải là sản phẩm “nhồi sọ”, áp đặt chủ quan, duy ý chí; nặn ra “từ cái đầu thiển cận của Mác và Ăngghen”, cũng không phải là “số cộng giản đơn của phép biện chứng duy tâm khách quan Hêghen và chủ nghĩa duy vật nhân bản của Phơibắc” như ai đó đã từng nói. Sự thật lịch sử đã chỉ rõ rằng, phải vào những năm 40 của thế kỷ XIX, chứ không thể sớm hơn hay muộn hơn, chỉ khi chủ nghĩa tư bản đã phát triển cao, vượt qua giai đoạn “công trường thủ công” để bước vào giai đoạn “đại công nghiệp cơ khí” thì chính thời điểm ấy, lúc ấy, tự bản thân giai cấp tư sản mới bộc lộ bản chất bóc lột và những mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản mới đến độ gay gắt, nó xô đẩy xã hội ấy, trước hết là những người lao động vào tình cảnh khốn cùng, cơ cực.

Mác và Ăngghen sống trong thời đại ấy, các ông tận mắt chứng kiến thảm cảnh cơ cực, lầm than của những người nghèo, tình trạng bóc lột dã man, tàn bạo của giai cấp tư sản, sự bất công và thối nát của chủ nghĩa tư bản. Các ông đã gánh vác trách nhiệm “cứu những người khốn khổ ấy” thoát khỏi thảm cảnh đau buồn, đem lại cuộc sống tự do, công bằng, có cơm ăn, áo mặc, được sống làm một con người chân chính.

Ai cũng biết rằng, phải đến khi nền đại công nghiệp cơ khí phát triển mạnh, máy móc dần dần thay thế đôi tay; giai cấp tư sản mới bộc lộ bản chất phản động, quay lưng đàn áp, phản bội “những người cùng đào hào, đắp lũy”, “chung một mặt trận chống lại giai cấp địa chủ, phong kiến”, thì chính lúc ấy, tính cách mạng của giai cấp tư sản đã tuột mất, nó không còn là lực lượng tiến bộ, đứng ra bênh vực, bảo vệ “đẳng cấp thứ ba” – những người vô sản.

Sự cảm nhận bằng mắt và lương tâm, trách nhiệm của một con người đã thôi thúc Mác và Ăngghen từ bỏ “mọi đặc quyền, đặc lợi của giai cấp mình”, đứng hẳn về phía những người nghèo khổ, đấu tranh bênh vực, đòi quyền ăn nói và bảo vệ cuộc sống làm người của họ. Vì lẽ đó, các ông đã xây dựng học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn của mình với ba bộ phận cấu thành là triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học để trang bị lý luận nhận thức cho giai cấp vô sản, giúp họ hiểu rõ tội ác của những kẻ bóc lột; giác ngộ vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân để chuyển họ từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác, làm cho chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học. Nói một các khác, Mác và Ănghen thấy cần thiết phải trang bị cho giai cấp vô sản lý luận khoa học để họ đấu tranh lật đổ giai cấp thống trị, những kẻ bóc lột dã man, tàn bạo để giai cấp vô sản tự giải phóng mình, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn phát triển tột cùng của nó là chủ nghĩa đế quốc chủ nghĩa, Lênin đã tiếp thu, kế thừa chủ nghĩa Mác, đã bổ sung, phát triển những tư tưởng của các ông trên cả ba lĩnh vực: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học, làm chủ chủ nghĩa Mác trở nên hoàn thiện hơn, phù hợp với bối cảnh lịch sử mới, quan điểm và di sản lý luận của Lênin gia nhập chủ nghĩa Mác, trở thành chủ nghĩa Mác – Lênin – “công cụ nhận thức vĩ đại” để giai cấp vô sản đấu tranh xóa bỏ mọi xiềng xích, ách áp bức, bóc lột. Sự phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin như một dòng chảy lịch sử, liên tục được bổ sung, bồi đắp bằng những tri thức mới và kinh nghiệm thực tiễn cách mạng. Bản thân Mác, Ăngghen và Lênin cũng luôn nhắc nhở những người cộng sản đừng bao giờ coi học thuyết của các ông là một cái gì đó đã xong xuôi, bất khả xâm phạm, mà trái lại, hãy coi học thuyết của các ông mới chỉ đặt nền móng, là cơ sở khoa học cho nhận thức mới; nếu những người cộng sản không muốn lạc hậu và bị cuộc sống đào thải.

Các ông nhấn mạnh rằng, những người cộng sản phải không ngừng bổ sung, cập nhật tri thức mới, làm phong phú, giầu có hơn những quan điểm, tư tưởng mà các bậc tiền bối đã có công xây dựng nên; học thuyết của các ông là kim chỉ nam cho hành động chứ không phải là học thuyết giáo điều, kinh viện.

Vì vậy, sau khi Lênin qua đời, các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, nhất là các lãnh tụ và các nhà khoa học đã tiếp tục nghiên cứu, bổ sung nhiều nội dung mới, làm chủ chủ nghĩa Mác – Lênin trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của các Đảng Cộng sản. Một trong những người kế thừa, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện lịch sử mới ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến Việt Nam là Bác Hồ của chúng ta.

Ai đó cho rằng chủ nghĩa Mác – Lênin đã cũ, lỗi thời, lạc hậu hẳn là một cách nhìn sai lệch, đầy thiên kiến hẹp hòi, phiến diện, chủ quan duy ý chí. Hơn ai hết, những người này chắc đều đã hiểu rằng chủ nghĩa Mác – Lênin từ “một bóng ma ám ảnh châu Âu” đã trở thành hệ tư tưởng thống trị phong trào công nhân từ những năm 70 của thế kỷ XIX, có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử khoa học và văn hóa của nhân loại; làm rung động hàng triệu trái tim con người trên thế giới bởi mục tiêu, lý tưởng nhân văn, nhân đạo và sự hấp dẫn, sức cuốn hút kỳ lạ hàng tỷ người đi theo con đường đấu tranh xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công; thực hiện giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng con người và giải phóng nhân loại.

Sức sống trường tồn và sự lan tỏa mạnh mẽ của chủ nghĩa Mác – Lênin bắt nguồn từ chính bản chất khoa học, cách mạng của nó, do nó quy định, trước hết và quan trọng nhất là nhờ ba phát minh vạch thời đại mà các ông đã để lại cho giai cấp công nhân, đó là: (1) Quan niệm duy vật về lịch sử; (2) Học thuyết giá trị thặng dư; (3) Vai trò và sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân – những người gánh vác trách nhiệm đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản, xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp là chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Với ba phát minh thiên tài này, Mác và Ănghen đã bước vào hàng ngũ vĩ nhân – những người vĩ đại nhất trong khoa học, được ví như Đác uyn – người phát hiện ra các quy luật của tự nhiên, còn Mác phát hiện ra quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người. Năm tháng sẽ qua đi, một số luận điểm của các ông có thể không còn phù hợp với tình hình mới sau khi nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Thế nhưng, những người cộng sản đã, đang và sẽ tiếp tục bổ sung, bồi đắp, làm cho sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin, các học thuyết, phát minh của các ông tiếp tục tỏa sáng, làm ngọn đuốc sáng soi đường, dẫn lối cho giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của mình.

Thực tế lịch sử đã khẳng định dù cho vật đổi sao rời, thế giới có đổi thay nhưng giá trị nhân văn và phép biện chứng duy vật – linh hồn sống động của chủ nghĩa Mác – Lênin thì sống mãi, nó hòa vào quan niệm duy vật về lịch sử; lý luận về hình thái kinh tế – xã hội; lý luận về giá trị thặng dư và lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học của các ông vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, luôn là vũ khí sắc bén, “công cụ nhận thức vĩ đại” để giai cấp công nhân và loài người tiến bộ cải tạo thế giới vì lợi ích của mình. Về điều này đã rất rõ nhưng cũng cần nói thêm rằng, Mác, Ăngghen, Lênin là những thiên tài, những nhà duy vật biện chứng, duy vật lịch sử nhưng các ông cũng là một con người, bị quy định bởi lịch sử gắn với không gian và thời gian nhất định. Các ông không thể suy nghĩ, làm thay và giải đáp mọi vấn đề đặt ra cho chúng ta ngày nay. Ai đó vin vào cái cớ ấy, cắt tỉa, rút ra một số luận điểm từ học thuyết của các ông rồi tuyên truyền, vu khống chủ nghĩa Mác – Lênin đã cũ, lỗi thời, lạc hậu là điều phi lý, không thể chấp nhận, họ đã chà đạp lên lịch sử, bóp méo sự thật khách quan.

Chúng ta đều rõ rằng, mỗi thời đại đều có đặc điểm riêng với nét đặc thù của nó, không thể lấy các thời đại để so sánh rồi tìm ra mẫu số chung bằng cách quy đồng cơ học. Nếu cho rằng Mác, Ănghen, Lênin phải dự báo đầy đủ và chỉ ra mọi sự biến đổi của thời đại hiện nay thì mới xứng là thiên tài thì lập luận đó, quan điểm đó sẽ rơi vào duy tâm chủ quan, làm cho các khoa học không còn tác dụng. Với tầm nhìn và trí tuệ thiên tài, các ông đã căn cứ vào sự vận động, phát triển của lịch sử, nhất là lịch sử phát triển các hình thái kinh tế – xã hội và các hiện tượng đã xảy ra trong chủ nghĩa tư bản để khái quát những vấn đề có tính quy luật, các quy luật và những nguyên lý cơ bản của khoa học chính trị. Không thể vin vào cái cớ: Mác, Ăngghen, Lênin chưa nói rõ vấn đề này, vấn đề kia trong bối cảnh lịch sử cụ thể, ngữ cảnh, điều kiện cụ thể để quy kết, buộc tội các ông sai lầm, tước bỏ toàn bộ giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin như hắt bỏ đúa bé trong chậu sau khi tắm cùng với nước. Ai đó hy vọng và muốn điều ấy xảy ra, người đó đã rơi vào chủ nghĩa duy tâm và vướng vào phương pháp tư duy siêu hình, thật đáng tiếc!

Rõ ràng là, chủ nghĩa Mác – Lênin, dù hiểu theo nghĩa nào, trước sau và đúng nhất, nó vẫn là một khoa học, nghiên cứu những quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, là “một học thuyết hoàn bị nhất, triệt để nhất và sâu sắc nhất”, là vũ khí lý luận sắc bén, “công cụ nhận thức vĩ đại” để giai cấp công nhân cải tạo thế giới. Thực tiễn phong trào công nhân quốc tế đã chứng minh sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác – Lênin trong thực tiễn bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, sự ra đời, tồn tại và phát triển của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba, Lào, v.v..

Sự kiện sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu hơn 30 năm trước đây hoàn toàn không phải là “sự cáo chung của chủ nghĩa Mác – Lênin”, mà trái lại, nó là minh chứng sinh động, khẳng định rõ hơn bản chất khoa học, cách mạng và tính đúng đắn của chủ ngĩa Mác – Lênin. Trước đây cũng như hiện nay, bất kể là đảng cộng sản nào, cá nhân lãnh tụ nào, nếu vi phạm thô bạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, rơi vào chủ nghĩa cơ hội và xét lại, thì chắc chắn đảng cộng sản ấy, cá nhân lãnh tụ ấy mắc sai lầm nghiêm trọng về đường lối chính trị; phải trả giá đắt vì những sai lầm đáng tiếc ấy: đảng cộng sản mất vai trò lãnh đạo, thành quả cách mạng đã giành được bằng xương máu của nhân dân sẽ bị tước đoạt, chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ bị sụp đổ, rơi vào tình cảnh bi thảm, đau thương.

Tất cả điều đó thêm một lần khẳng định rõ tầm vóc, giá trị, ý nghĩa và sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác – Lênin. Xin nhắc lại rằng chủ nghĩa Mác – Lênin không hề bị cũ, không lỗi thời, lạc hậu, chỉ có những người “đeo cặp kính cũ”, nhãn quan bệnh hoạn với quan điểm chính trị sai lầm mới phát ngôn lệch lạc như thế. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 92 năm qua đã và đang chứng minh tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh./.

Nguồn: huongsenviet

Chống diễn biến hòa bình