Người truyền nội lực sống

Người truyền nội lực sống


Một thương binh nặng với cả 2 mắt đều mù nhưng nỗ lực trong cuộc sống khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Từ câu chuyện nuôi dạy con nên người đến những cống hiến vì cộng đồng, bao giờ cũng khiến ông tất bật, ngược xuôi…

Vợ chồng ông Lê Văn Trị bây giờ. Ảnh: H.C
Vợ chồng ông Lê Văn Trị bây giờ. Ảnh: H.C

Ông là thương binh Lê Văn Trị, cũng là Chủ tịch Hội Người mù TP.Tam Kỳ với thâm niên tận… 4 nhiệm kỳ. Bây giờ, tuổi đã ngoài 80, những sinh hoạt đã phần nào khó hơn, nhưng lúc nào ông cũng toát lên thần thái tinh anh, từ trong giọng nói, trong cách nhìn nhận những sự việc quanh mình.

Tuổi xuân cho đất nước

Từ quê hương dưới chân núi Hòn Tàu, chàng trai 24 tuổi Lê Văn Trị khi ấy bắt đầu cùng bạn bè đồng lứa tham gia cách mạng. Năm 1965, những trận càn ác liệt, đạn bom rải khắp trên mảnh đất là căn cứ kháng chiến này.

Ông kể, ngày ấy sức trẻ, bước chân không nề hà một con đường, một cánh rừng, một vùng quê nào. Cứ có lệnh là lên đường. Có đợt ông vào Bình Dương (Thăng Bình) – vùng cát cháy oanh liệt ở cánh phía đông xứ Quảng, cùng đồng đội mình xông pha.

“Lúc đó, ai cũng xông pha đánh giặc chứ không riêng mình. Nhà tôi còn có 1 chị gái và em trai. Đứa em Lê Văn Trung cũng theo bước chân anh mình tham gia cách mạng, là lính của Tiểu đoàn đặc công 16…” – ông bỏ lửng lời nói.

Một gia đình truyền thống cách mạng, với những cống hiến để dành cho hòa bình hôm nay, khi người chị gái ông là Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Diệu, khi người em trai là lính đặc công từng ghi dấu chiến công trong trận đánh vào Tỉnh đường Quảng Tín năm 1968 – đến nay, người em trai này vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Giọt nước mắt ông rơi, khi nói, tâm nguyện bây giờ muốn biết em mình đang nằm ở đâu…

Trong suốt 2 năm bám trụ quê nhà đánh Mỹ, trong một trận càn, ông Trị bị thương ngay tại xã Quế Mỹ, Quế Sơn. Năm 1967, một mắt của ông gần như mù hẳn. Năm 1968, ông khăn gói ra Bắc, vì lệnh của cấp trên, chàng thanh niên này phải đến miền Bắc để điều trị vết thương.

Ông Trị kể, năm đó, vào đúng Tết Mậu Thân, ông ăn tết ở đường 9 Nam Lào. Để sau nhiều tháng ròng rã băng rừng dưới mưa bom bão đạn, chàng thanh niên xứ Quảng với thương tật trên người đặt chân đến đất Bắc.

“Tôi nhớ mình được đón để dẫn vào một hội trường. Ở đó, lần đầu tiên chúng tôi được gặp Bác Hồ. Bác nói các cháu là cán bộ miền Nam đến miền Bắc, nên yêu cầu các đồng chí ở đây phải chăm sóc và đón tiếp chúng tôi nhiệt tình. Đó là năm 1969.

Sau đó, tôi được đưa đi điều trị vết thương ở các bệnh viện lớn của miền Bắc, để đến cuối năm 1972, khi chiến sự ở miền Nam ác liệt, chúng tôi trở về quê hương để tiếp tục chiến đấu” – ông Trị kể.

Về Quảng Nam, ông Trị nói, lúc này ông đã là một người trưởng thành so với tuổi 20 đang lăn lộn trên chính các mặt trận đạn bom bấy giờ. Ông được cắt cử để trở thành người quản lý ở hậu phương, lo chuyện sổ sách tiền nong để phục vụ chiến sĩ. Đến năm 1975, trước mấy tháng khi quê hương giải phóng, ông gặp người phụ nữ của đời mình, ngay ở một bìa rừng của Hiệp Đức.

Bà Phạm Thị Lê cũng là một nữ chiến sĩ quả cảm. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bà là thanh niên xung phong thuộc binh trạm thông tin 238 của Quân khu 5. Gặp nhau, họ trở thành vợ chồng, chờ ngày đất nước thống nhất.

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Giải phóng được gần 1 năm, bệnh cũ của thương binh Lê Văn Trị lại tái phát. Năm 1976, ông bị mù một mắt. Vài năm sau, con mắt còn lại cũng yếu dần và mù hẳn. Từ một người hoạt náo, chưa bao giờ thôi lạc quan, ông gần như đổ gục. Nhưng lúc này, người phụ nữ bên cạnh cùng những người con khi ấy còn nhỏ dại, đã vực ông dậy, bước qua thách thức của cuộc đời.

Ông xốc lại tinh thần, tự học, tự mò mẫm để tìm đường đứng lên. Không nề hà bất cứ gian khó nào, ông đi học làm chổi, làm tăm tre rồi đi bán khắp nơi để nuôi con. Đến năm 1997, sau chia tách tỉnh, ông về ở hẳn tại Tam Kỳ. Tại đây, ở Hội Người mù TP.Tam Kỳ, dấu ấn của thương binh Lê Văn Trị khá rõ nét.

Bích Diễm – cô ca sĩ mù được cả nước biết tới gần đây, là người được ông Trị dìu dắt để tự tin bước lên các sân khấu lớn. Đồng cảnh ngộ “nhặt nắng sau lưng mình”, thương như chính cô con gái lớn của mình, ông Trị tìm cách giới thiệu Bích Diễm đến với nhiều tổ chức hơn. Bởi ông biết, cô gái này sở hữu giọng ca đầy nội lực, cũng như đủ đầy xúc cảm để có thể truyền tải đến người nghe những giai điệu bolero khiến lòng người ray rứt.

Và không chỉ Bích Diễm, rất nhiều hội viên Hội Người mù TP.Tam Kỳ, nhắc tên ông Lê Văn Trị, là như gọi đến một người cha, người chú của chính họ. Chính ông là người đã kêu gọi để tổ chức các lớp dạy nghề, dạy chữ, để mỗi người khiếm thị đều có thể sống trên chính đôi chân mình. Trụ sở Hội Người mù TP.Tam Kỳ bây giờ cũng khang trang hơn, ít nhiều đều từ tấm lòng của chính người thương binh Lê Văn Trị.

Bây giờ, ba người con mà ông Trị xem là mục đích để mình nỗ lực mỗi ngày, đều đã thành danh thành tài. Ông Trị nói, mình dạy con, không gì hơn là phải nỗ lực, dù cuộc đời có tréo ngoe và đầy nghịch cảnh như thế nào. Chỉ có sự cố gắng không ngừng nghỉ mới có ngày hái những quả ngọt.

Sau khi đến tuổi nghỉ làm ở Hội người mù TP.Tam Kỳ, ông Trị về địa phương và là một công dân gương mẫu trong phong trào xây dựng tuyến phố văn minh, xanh, sạch đẹp… Người thương binh này còn tự nguyện xin di dời nhà trước để giải phóng mặt bằng xây dựng đường N10, phường An Mỹ, làm gương cho những người dân khác nơi đây.

Bây giờ, trong gian nhà khang trang, đôi vợ chồng già cùng nhau tâm tình. Bà lần giở từng tờ báo, đọc tin tức địa phương cho ông nghe. Ông Trị nói, sự cố gắng của ông, nếu không có sự bền bỉ, đồng hành của vợ, cũng là một đồng đội, thì khó thể nào ông giữ được tinh thần như ngày hôm nay.



Báo Quảng Nam

Chính trị - Kinh tế - Xã hội