Ông Năm Đò ở hạ nguồn sông Thu | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

Ông Năm Đò ở hạ nguồn sông Thu | BÁO QUẢNG NAM ONLINE


Dù đã có nhiều nhịp cầu kiên cố nối đôi bờ Thu Bồn để đến phố cổ Hội An thuận tiện nhưng hàng chục năm qua vẫn có những người dân chọn theo đò qua sông với hành trình mưu sinh rất đặc biệt.

Dù có nhiều cầu nối qua sông nhưng người dân vẫn chọn đi đò qua Hội An vì thói quen, phần vì không quen đi xe đạp, xe máy. Ảnh: T.B.D
Dù có nhiều cầu nối qua sông nhưng người dân vẫn chọn đi đò qua Hội An vì thói quen, phần vì không quen đi xe đạp, xe máy. Ảnh: T.B.D

Hành trình đặc biệt

Tiếng nổ lẹt phẹt của đò máy đưa nhóm phụ nữ xuất phát từ thôn Trung Hà (xã Cẩm Kim, Hội An) hướng về chợ trung tâm phố cổ Hội An nằm ở cuối hạ nguồn sông Thu Bồn. Buổi sáng đứng bên các ngôi làng, hình ảnh phố cổ trầm mặc trong màn mưa. Phố cổ cũng là nơi hàng chục năm qua đã nuôi sống những gia đình buôn bán rau, cá nhỏ ở bên kia bờ.

Ông Năm Đò (tên thật là Hưởng, nhà ở thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim) ghì bánh lái hướng mũi đò đi về phố cổ Hội An. Trong vài phút lục đục tìm một vị trí ngồi an toàn trên khoang, mấy người phụ nữ đi chợ phiên sáng nay quấn trên tấm thân gầy những tấm áo mưa. Nhiều người chụm hai bàn tay xuống đầu gối để giữ ấm, miệng nhoẻn nhai trầu cho ấm bụng. Đò trờ theo con nước chạy ì ạch xuôi về cửa sông.

Những vị khách đi đò bắt đầu túm tụm để trò chuyện. Đó là những “khoảnh khắc” giao lưu rất đặc biệt của những con người đã gắn bó với nhau cả nửa đời người trên hành trình mưu sinh.

Từ chuyện bà Tới mua rau mà luống cuống thế nào lại quên việc trả tiền, rồi chuyện đêm qua có người ở làng bị viêm ruột thừa phải chở đi viện giữa đêm. Bỗng đám đông xôn xao khi nghe một người báo tin đêm qua trong làng xuất hiện mấy trường hợp dương tính với Covid-19. Những tiếng xì xầm bỗng im bặt.

Ông Năm Đò chạy xuống khoang máy cố hãm âm thanh động cơ để nghe rõ tin về dịch bệnh kia. Tất cả bỗng chốc lặng im rồi bị phá tan bởi một cái tặc lưỡi: “Giờ ở đâu mà không bị? Thôi mình nhắc nhau đề phòng, ra đường lúc nào cũng phải đeo khẩu trang đầy đủ cho chắc”.

Không biết đi xe máy lẫn cả xe đạp, để đến chợ mỗi ngày hàng chục năm nay bà Lê Thị Sữa (Duy Xuyên) phải di chuyển bằng đò qua sông Thu Bồn.
Không biết đi xe máy lẫn cả xe đạp, để đến chợ mỗi ngày hàng chục năm nay bà Lê Thị Sữa (Duy Xuyên) phải di chuyển bằng đò qua sông Thu Bồn.

Những người lái đò cuối cùng

Ông Năm Đò cho biết mấy chục năm qua bến đò do ông và một số bà con chuyên chở vẫn duy trì mỗi ngày để đưa người dân qua sông. Khi kinh tế khấm khá, chính quyền bắt đầu dựng lên nhiều cây cầu bề thế, kiên cố.

Không chỉ một, tới nay có ít nhất 3 cây cầu lớn nối phố cổ Hội An qua vùng Cẩm Kim. Ai cũng nghĩ rằng bến đò sẽ bị “triệt tiêu”, người dân sẽ bỏ đò để đi trên những chiếc cầu nối đôi bờ vui nhưng những chuyến đò vẫn tồn tại như một thứ vốn xưa cũ trăm năm của Hội An.

Ông Năm Đò lần đốt ngón tay rồi nhẩm tính những người “bạn nghề” trên sông nước chở khách qua sông mỗi ngày. Đó là ông, là cô Kiều Trúc, chú Minh… Mỗi người làm chủ một chiếc, tất cả đều là đò “cải hoán”, vừa chở được hàng lại vừa cơi nới để phục vụ khách du lịch khi phố cổ đông vui.

Các chủ đò phân giờ chạy luân phiên, mỗi người lập riêng cho mình một bến. Từ 4 giờ sáng, chuyến đò đầu tiên của ông sẽ khởi hành. Một giờ sau sẽ tới chuyến kế tiếp.

Ông Năm Đò trước đây vốn là ngư dân, đi biển được mấy năm thì ông chuyển qua phụ chở khách du lịch trên sông. Làm lâu dần, tích cóp được ít tiền ông sắm đò chở cố định một nhóm người dân từ làng mình qua sông đi chợ sớm mỗi ngày.

Một điều rất đặc biệt là một ngày, một ghe chỉ chạy một lượt đi và quay về. Ông Năm Đò nói rằng vì người qua sông đa phần là đàn bà, người lớn tuổi có thói quen qua phố cổ đi chợ. Chợ cũng họp duy nhất vào buổi sáng nên bà con đi một lần rồi trở về nhà.

Sau khi nhóm phụ nữ bước lên bờ để vào chợ kiếm sống, ông buộc đò vào bờ đá để đợi họ trở lại. Phải mất ít nhất 3 giờ nữa thì chợ mới tan. Để giết thời gian, ông Năm Đò đem mớ sợi rối mù rồi ngồi tỉ mẩn kết lại thành những cuộn dây thừng.

Ông kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện, chuyện nào của ông nghe cũng gây… buồn ngủ. Một lúc sau, tôi thấy ông Năm Đò đã vắt chéo chân, chiếc điện thoại đen trắng nhét cẩn thận trong túi áo, ông trùm chiếc mũ mềm lên mặt rồi đánh một giấc ngon lành.

Khoảng 3 giờ chiều, phố cổ Hội An chỉ còn vài bóng xe vụt qua. Mấy người đi chợ lúc nãy đã quay lại. Họ lặng lẽ chọn cho mình một góc, chẳng ai trò chuyện với nhau như lúc đi nữa. Thay vì thế, mỗi người kiểm đếm số tiền kiếm được sau một buổi ròng rã.

Đời theo sóng nước

Những lần theo đò ngang để qua đôi bờ sông Thu Bồn, chúng tôi rất bất ngờ khi nhận ra một lý do vô cùng thú vị đằng sau lý do tồn tại của những chuyến đò ngang ngay giữa phổ cổ, ở giữa những cây cầu.

Ngoài chuyện quen sông nước, quen với sự tròng trành như một phần ký ức trên những chuyến đò ngang, khách qua sông tất cả đều là phụ nữ lớn tuổi và tất cả đều… không biết đi xe máy, thậm chí cả xe đạp.

Chị em bà Trần Thị Tới (68 tuổi) và bà Trần Thị Liên (55 tuổi) sống cùng nhau trong một ngôi nhà ở tổ 9 (thôn Trung Hà, Cẩm Kim). Cả hai đều không lấy chồng, hàng ngày theo đò qua sông để về phố cổ Hội An rửa bát, quét dọn, phụ việc cho tiểu thương trong chợ kiếm sống. Hỏi về chuyện đi đò, cả bà Tới và bà Liên đều cười ngặt nghẽo: “Có biết đi xe mô mà đi, thấy cầu là sợ rồi, xấu hổ chết”.

Ông Năm Đò nói rằng không ai trong những vị khách đi đò của ông mấy chục năm qua biết đi xe máy, khi cần đi đâu xa họ phải thuê xe ôm hoặc nhờ người thân chở.

“Có đợt tôi tổ chức tập dợt xe đạp, tập cả xe máy cho mấy người đi đò để họ chuyển đổi phương tiện làm ăn. Nhưng khi đẩy xe lên cầu sắt Cẩm Kim thì họ la hét lên rồi bỏ xe mà chạy” – ông kể.

Được biết, ngoài những vị khách ruột kể trên, lâu nay nguồn sống chính của họ là phục vụ khách du lịch nước ngoài tham quan phố cổ trên sông nước. Những chuyến đò cũ mèm, đơn sơ không chỉ là một hành trình mưu sinh mà còn là một “sản phẩm” du lịch được khách Tây săn để chụp ảnh, nhiều tour theo người dân đi chợ còn được tổ chức trong hệ thống du lịch di sản.

Ông Năm Đò cho biết: “Mỗi lượt đi về bà con trả cho tôi từ 15 – 20 nghìn đồng. Tiền chẳng bao nhiêu nhưng mình giúp bà con, bà con giúp lại mình cũng có việc làm đỡ buồn. Còn nói để làm ăn thì lúc du lịch sôi động, tôi chở khách Tây, rồi chở bà con đi dạo làm “mẫu” cho Tây chụp ảnh cũng kiếm được kha khá” – ông Năm nói.



Báo Quảng Nam

Chính trị - Kinh tế - Xã hội