Tam Kỳ hướng đến “Thành phố học tập” | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

Tam Kỳ hướng đến “Thành phố học tập” | BÁO QUẢNG NAM ONLINE


TP.Tam Kỳ đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển sự nghiệp GD-ĐT, đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, hướng đến “Thành phố học tập” vào năm 2025.

Giải thưởng Phan Châu Trinh tạo động lực cho nhiều học sinh giỏi phấn đấu. Ảnh: X.P
Giải thưởng Phan Châu Trinh tạo động lực cho nhiều học sinh giỏi phấn đấu. Ảnh: X.P

Kiên cố hóa, chuẩn hóa trường học

Đẩy mạnh thực hiện sắp xếp mạng lưới, sáp nhập các điểm trường lẻ và tăng cường đầu tư theo hướng tầng hóa, kiên cố hóa đã giúp cho diện mạo trường, lớp học trên địa bàn Tam Kỳ thời gian qua có sự “thay da đổi thịt” nhanh chóng.

Đến cuối năm 2021, tất cả 37 trường công lập từ mầm non đến THCS (13 mầm non, 14 tiểu học, 10 THCS) đều có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đặc biệt đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục, trở thành một trong những địa phương hoàn thành công tác xây dựng trường chuẩn.

Cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn hình thành hệ thống trường ngoài công lập tương đối mạnh với 14 trường mầm non, 1 trường liên cấp tiểu học, THCS, THPT (Trường Song ngữ quốc tế Quảng Nam Academy), góp phần đa dạng hóa loại hình trường lớp, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh (HS).

Nghị quyết 90 (14.4.2022) của HĐND TP.Tam Kỳ về phát triển giáo dục thành phố đến năm 2025 đề ra 8 mục tiêu cụ thể, trong đó đáng chú ý như 100% trường học có khu giáo dục thể chất, nhà đa năng, nhà vệ sinh sạch đẹp; 100% trường đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng, trong đó 50% đạt kiểm định chất lượng mức 3; giữ vững thứ hạng tốp đầu cả tỉnh về phong trào thi HS giỏi các cấp; 100% xã, phường đạt các tiêu chí xã hội học tập, thành phố đạt các tiêu chí để công nhận danh hiệu “Thành phố học tập”.

Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện đề án là hơn 421 tỷ đồng, trong đó đầu tư cơ sở vật chất 379 tỷ đồng, mua sắm trang thiết bị 42 tỷ đồng; chưa kể nguồn kinh phí huy động từ các nhà đầu tư xây dựng trường tư thục, xã hội hóa đóng góp của phụ huynh, tổ chức, cá nhân.

Tam Kỳ cũng là địa phương có 100% trường tiểu học, THCS tổ chức dạy – học 2 buổi/ngày, tạo tiền đề vững chắc cho việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhờ đó, những năm qua, chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn ở các bậc học có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sự vươn lên của các trường vùng ven, tạo ra sự đồng đều giữa các trường trên địa bàn. Điều này giúp cho thành phố liên tục nằm ở tốp đầu của tỉnh về phong trào HS giỏi các cấp.

Sự quan tâm của thành phố đối với sự nghiệp GD-ĐT là rất lớn, thể hiện qua các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Thành ủy, HĐND, UBND. Mới đây nhất, thành phố ban hành Đề án phát triển giáo dục đến năm 2025 – một sự tiếp nối sau khi đề án giai đoạn 2016 – 2020 khép lại với những kết quả nổi bật. Đây có thể xem như là đòn bẩy, tạo động lực mới để tiếp tục nâng tầm vị thế giáo dục Tam Kỳ trong thời gian tới.

Nói như Chủ tịch UBND thành phố – ông Bùi Ngọc Ảnh, “đề án này nhằm tạo bước đột phá trong chiến lược đầu tư nguồn lực con người của Tam Kỳ, góp phần xây dựng thành phố đạt các tiêu chí đô thị loại I”.

Đi đầu khuyến học, khuyến tài

Trong các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Tam Kỳ là một trong những địa phương đi đầu với nhiều hoạt động sôi nổi, đơn cử như Giải thưởng Phan Châu Trinh. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh sự học được duy trì hàng năm và tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Đến thời điểm này đã trải qua 20 mùa trao thưởng với hơn 1.000 cá nhân xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học được vinh danh. Cạnh đó, các hoạt động khen thưởng của thành phố cũng kịp thời động viên các em HS giỏi, đạt giải tại các kỳ thi tài năng cấp tỉnh, quốc gia.

Không phải ngẫu nhiên mà trước đây Tam Kỳ được tỉnh chọn tổ chức thí điểm về xây dựng các mô hình học tập để từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra phạm vi cả tỉnh.

Sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030” theo Quyết định 1373 (30.7.2021) của Thủ tướng Chính phủ, TP.Tam Kỳ đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai trong các cấp, ngành, xã phường của địa phương.

Theo ông Nguyễn Hồng Lai – Phó Chủ tịch UBND thành phố, cùng với giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên, vận dụng mọi hình thức để công dân có thể tham gia học tập suốt đời, phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ, cộng đồng. TP.Tam Kỳ phấn đấu đến năm 2025 đạt các tiêu chí “Thành phố học tập” và trở thành thành viên của mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu”.



Nguồn: baoquangnam

Chính trị - Kinh tế - Xã hội