Tìm hướng phát triển du lịch làng cổ Lộc Yên | BÁO QUẢNG NAM ONLINE

Tìm hướng phát triển du lịch làng cổ Lộc Yên | BÁO QUẢNG NAM ONLINE


Được đánh giá là ngôi làng điển hình xứ Quảng với nhiều giá trị văn hóa, cảnh quan độc đáo, nhưng nhiều năm qua việc thực hiện mục tiêu phát triển du lịch làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh, Tiên Phước) chưa đạt kết quả như mong đợi.

Làng cổ Lộc Yên. Ảnh: P.V
Làng cổ Lộc Yên. Ảnh: P.V

Chương trình tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý du lịch, doanh nghiệp lữ hành… nhằm hiện thực hóa giấc mơ du lịch Lộc Yên gắn với bảo tồn không gian làng cổ diễn ra hôm qua 9.6, đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục kịp thời.

Chưa khai thác hiệu quả

Nhắc tới Lộc Yên là nhắc đến đá. Đá dường như đã trở thành nét đặc trưng của ngôi làng cổ này. Tại Lộc Yên, đá hiện diện mọi nơi, ven những sườn đồi, lối đi, đá dùng để xây ngõ, xây nhà, xây giếng nước, xây chuồng cho gia súc, kể cả xây mộ cho người quá cố…

Những hàng rào lát bằng đá phiến, qua thời gian, rêu cỏ phủ lên tạo một bờ thực vật xanh mướt. Ẩn trong những ngôi vườn, ngõ đá là hàng chục ngôi nhà cổ được chạm khắc tinh xảo với niên đại hàng trăm năm, được xây dựng theo kiểu kiến trúc ba gian hai chái, trầm mặc, gợi nên sự bình yên giữa vùng trung du xứ Quảng.

Ông Phùng Văn Huy – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước chia sẻ, không gian Lộc Yên với ngõ đá – nhà cổ – vườn cây – ruộng đồng – đồi núi – sông – suối đã gắn bó hài hòa, tạo nên một không gian độc đáo, một Lộc Yên đẹp đặc trưng hiếm thấy, có thể khai thác phát triển du lịch.

Những năm qua, Tiên Phước đã có nhiều biện pháp tích cực cùng người dân Lộc Yên bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị ngôi làng theo hướng phục cổ, phát huy văn hóa đá trong tạo dựng không gian sinh hoạt, sản xuất.

Đặc biệt, hướng đến mục tiêu du lịch, huyện đã tranh thủ nhiều nguồn lực, xúc tiến, kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch như xây dựng điểm đón tiếp khách tại làng, xây dựng đường nội bộ, đường xuống điểm danh thắng Lò Thung, mở rộng khu Di tích quốc gia Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch về kiến trúc, cảnh quan; tuyên truyền, kết nối, quảng bá, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân..

Buổi tọa đàm đã chỉ ra những hạn chế, đồng thời đề xuất những giải pháp để phát triển du lịch làng cổ Lộc Yên. Ảnh: P.V
Buổi tọa đàm đã chỉ ra những hạn chế, đồng thời đề xuất những giải pháp để phát triển du lịch làng cổ Lộc Yên. Ảnh: P.V

Dù vậy, du lịch tại Lộc Yên vẫn chưa được khai thác hiệu quả, chưa tạo được một hệ sinh thái du lịch toàn diện để phát triển.

“Tuy có nhiều đề án, chương trình đầu tư của tỉnh cho du lịch miền núi, du lịch phía Nam nhưng Tiên Phước vẫn chưa thu hút được nguồn vốn từ doanh nghiệp đầu tư để phát triển du lịch với quy mô lớn, chất lượng cao.

Lực lượng lao động trong ngành du lịch còn ít, mang tính thời vụ, thiếu chuyên nghiệp. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành chưa chặt chẽ, thường xuyên. Tư duy du lịch cộng đồng và vốn đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch, nhất là mô hình du lịch cộng đồng mà Lộc Yên đang hướng đến” – ông Huy cho biết.

 Thiếu đầu tàu dẫn dắt

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến du lịch Lộc Yên chưa khởi sắc là bên cạnh hạ tầng giao thông, sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn thì sự “mông lung” trong phát triển du lịch của địa phương cũng là yếu tố đáng quan tâm.

Theo ông Lê Ngọc Thuận – Giám đốc Công ty Sự kiện và lễ hội biển An Bàng, cái thiếu nhất của du lịch Lộc Yên hiện nay là chưa có một hệ sinh thái du lịch cộng đồng với các sản phẩm, dịch vụ cụ thể, vì vậy bao năm qua vẫn loay hoay không biết bắt đầu từ đâu.

“Trong hệ sinh thái đó, chúng ta phải biết chọn cái nào là đầu tiên để triển khai, cái nào tiếp theo, ai là người dẫn đường, bởi nông dân không thể tự làm du lịch được… Do vậy, yếu tố con người rất quan trọng, nhưng lâu nay du lịch Lộc Yên hầu như không làm được điều này và sản phẩm dịch vụ cũng không có gì” – ông Thuận nói.

Thực tế cho thấy, để phát triển du lịch cộng đồng, nếu không có nguồn tài chính, không có tầm nhìn, không có con người và cách làm sẽ khó thành công.

Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhìn nhận, Lộc Yên có đầy đủ yếu tố để phát triển du lịch, tuy nhiên hạn chế lớn nhất chính là con người. Địa phương chưa chuẩn bị được đội ngũ nhân sự với những con người có chuyên môn và tâm huyết.

“Yếu tố đầu tiên vẫn là giá trị bản địa, đó là tài nguyên, cộng đồng và con người tại chỗ, tiếp đến là cơ chế thuận lợi, khi có những yếu tố này doanh nghiệp bên ngoài vào kết nối sẽ nhanh hơn, bởi doanh nghiệp nơi khác khó thể có sự hiểu biết và trách nhiệm với điểm đến như người địa phương. Khi có sản phẩm, doanh nghiệp sẽ tổ chức tour đưa khách đến, lúc đó các dịch vụ lưu trú, mua sắm sẽ tự xuất hiện” – ông Thanh phân tích.

Phát triển du lịch cộng đồng đang là mục tiêu chính của nhiều địa phương, trong đó có Tiên Phước. Dù vậy, không phải người dân nào cũng ý thức một cách đầy đủ về mô hình du lịch này.

Theo ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, để Lộc Yên phát triển du lịch phải có sự đầu tư ban đầu, nhất là các công trình phụ trợ như nhà để xe, hướng dẫn, đón tiếp, các khu vệ sinh, hệ thống cửa hàng phục vụ khách tham quan, các biển báo chỉ dẫn…

Cùng với đó là sự tham gia đồng thuận của người dân trong việc xây dựng những sản phẩm khác biệt, đặc trưng. Phải xây dựng một hệ sinh thái du lịch gắn với quy hoạch các phân khu cụ thể (nhà hàng, homestay, thuốc men, y tế, cửa hàng bán sản phẩm địa phương, spa…). Đặc biệt, phải có những cá nhân, tập thể đứng đầu dẫn dắt phát triển du lịch tại địa phương gắn với kết nối doanh nghiệp đưa khách về.



Nguồn: baoquangnam

Du lịch